Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3

Lá thư đặc biệt chiều cuối năm gửi tới bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai


Mục lục bài viết (Ẩn)

  1. Ca cấp cứu bệnh nhân ngừng tim 
  2. Bệnh nhân có tiền sử hen phế quản nhiều năm, tự điều trị bằng thuốc giãn phế quản xịt họng.
  3. Lá thư cảm ơn ngày cuối năm bận rộn 
  4. Không tự ý sử dụng các thuốc giãn phế quản trong điều trị hen
Đó là bức thư của người cha một bệnh nhân bị hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn do cơn hen phế quản ác tính, được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Bạch Mai cứu sống.
 

Ca cấp cứu bệnh nhân ngừng tim 

 
Bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, mới đây, khoa vừa cấp cứu cho bệnh nhân V.Đ.M, nam, 37 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội, được bệnh viện đa khoa Hà Đông chuyển tới khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai lúc 22 giờ 30 phút ngày 7 tháng 1 năm 2017 với chẩn đoán “Hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn do cơn hen phế quản ác tính”.
 
 
hen phế quản ác tính
 
 

Bệnh nhân có tiền sử hen phế quản nhiều năm, tự điều trị bằng thuốc giãn phế quản xịt họng.

 
Khoảng 21 giờ cùng ngày, trong lúc đang lái xe ô tô, bệnh nhân đột ngột lên cơn khó thở dữ dội và chỉ kịp dừng đỗ xe ngay trước khi bị hôn mê. Bệnh nhân được người xung quanh đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) gần đó.
 
Tại khoa Cấp cứu bệnh viện đa khoa Hà Đông, bệnh nhân ở trong tình trạng tím toàn thân, ngừng thở, mạch bẹn mất. Ngay lập tức, ê-kip các y, bác sĩ trực do bác sĩ Phạm Hữu Hiền làm trưởng tua đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn (bóp bóng Ambu có oxy qua mask, ép tim ngoài nồng ngực, dùng thuốc trợ tim adrenalin, đặt ống nội khí quản và thở máy…). Khoảng 15 phút sau, tuần hoàn của bệnh nhân được tái lập (tim đập trở lại).
 
Sau khi cấp cứu thành công và tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, bệnh nhân được chuyển lên khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai.
 
Bệnh nhân lên tới khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai lúc 22 giờ 30 phút cùng ngày (giờ thứ 3 sau ngừng tuần hoàn) trong tình trạng hôn mê sâu (GCS 6 điểm), được bóp bóng có oxy qua ống nội khí quản, mạch nhanh (120 lần/phút), huyết áp ổn định (150/70 mmHg) khi đang được truyền thuốc trợ tim và co mạch (adrenalin), SpO2 giảm (85%) với dòng oxy 10 lít/phút, nghe phổi thấy rì rào phế nang giảm và có rất nhiều ran rít, đồng tử hai bên đều, kích thước 5 mm, còn phản xạ với ánh sáng.
 
Sau khi tiếp nhận, khám cấp cứu và cho bệnh nhân thở máy ổn định, ê-kíp các y, bác sĩ trực tại khoa Cấp cứu A9, bác sĩ Lương Quốc Chính và bác sĩ Vũ Việt Hà đã hội chẩn và nhận thấy bệnh nhân vẫn có cơ hội hồi phục nếu được áp dụng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu (hạ thân nhiệt).
 
Không chần chừ, các y, bác sĩ đã xin ý kiến lãnh đạo khoa và liên hệ ngay với ê-kíp kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu do bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt và bác sĩ Nguyễn Trung Dũng phụ trách để vào khoa cùng cấp cứu cho bệnh nhân ngay trong đêm.
 
Chỉ sau 3 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không phải thở máy và rút ống nội khí quản. Sau 6 ngày điều trị tại khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân được chuyển lại về bệnh viện đa khoa Hà Đông để tiếp tục được theo dõi và điều trị lâu dài.
 

Lá thư cảm ơn ngày cuối năm bận rộn 

 
Ca cấp cứu ngoạn mục giúp bệnh nhân từ cõi chết trở về, tưởng đã trôi đi sau bao nhiêu ngày với bao nhiêu bệnh nhân khác cần phải cứu chữa, nhưng một lần nữa, bác sĩ Chính thấy ấm áp và nhớ lại niềm vui đó khi nhận được thư của người nhà bệnh nhân M. Anh và đồng nghiệp như được tiếp thêm liều thuốc tinh thần cho những ngày cuối năm vất vả.
 
Ông Vũ Đức Hiền sinh năm 1946 tại Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội, là bố của bệnh nhân, đã gửi lá thư cảm ơn tới những người đã sinh ra con ông lần hai. Bức thư ông Hiền viết có đoạn:
 
"Tại khoa cấp cứu của bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tim đã ngừng đập 5 phút, mọi người có mặt tại đó đều rất lo lắng cho tính mạng của con tôi. Song gia đình chúng tôi cảm thấy ấm lòng bởi các y bác sĩ và ca trực hôm đó do bác sĩ Hiền phụ trách ra đón với thái độ nhiệt tình, trách nhiệm cao, nhanh chóng đưa con tôi vào khoa làm thủ tục khám, cấp cứu dành lại sự sống cho con tôi.
Sau đó 21h30 con tôi được chuyển vào khoa Cấp cứu Bệnh viện A9, Bạch Mai. Chứng kiến việc bàn giao con tôi cho khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, gia đình chúng tôi được biết các bác sĩ khoa A9 bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều lời khen ngợi lời đồng nghiệp tuyến dưới có chuyên môn tay nghề cao, xử lý kịp thời, sử dụng thuốc chính xác, không có sai sót, tạo điều kiện thuận lợi cho khoa cấp cứu tuyến trên cấp cứu cho bệnh nhân các bước tiếp theo.
 
Trải qua 6 ngày nghẹt thở đấu tranh với tử thần, với nhiều loại máy móc thiết bị y tế hiện đại cùng với ê kíp y bác sĩ giỏi, có trình độ chuyên môn bậc cao với nhiều phương pháp cấp cứu hiệu quả như hạ thân nhiệt, kích não, kích cơ, kích co giãn phổi… ê kíp y bác sĩ, khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đã nỗ lực dành lại sự sống cho con tôi. Tình trạng sức khoẻ của con tôi giờ đã dần ổn định. Sau đó con tôi được chuyển về khoa cấp cứu bệnh viện Đa khoa Hà Đông tích cực điều trị. 
 
Con tôi được cứu sống thần kỳ đã khiến cho nhiều người trong gia đình chúng tôi không khỏi nghẹn ngào, ai cũng vui mừng phấn khởi cầu mong cho con tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, mong con mau chóng mạnh khoẻ trở lại.
 
Bên cạnh đó gia đình chúng tôi không quên gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới đội ê kíp y bác sĩ khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai đã không ngại khó khăn nỗ lực cứu con tôi trong thời khắc “thập tử nhất sinh”.
 
Gia đình chúng tôi thực sự xúc động trước sự nỗ lực, trách nhiệm cao của tập thể ê kíp y bác sĩ của hai bệnh viện, những người đã mang lại sự sống lần hai cho con tôi...
 
Trong tình huống nguy hiểm này mới thấu hiểu sự quan trọng và cảm kích công lao của những người làm nghề y…"thật sự rất khâm phục các y, bác sĩ của bệnh viện đã tận tâm cứu chữa tới cùng”..
 

Không tự ý sử dụng các thuốc giãn phế quản trong điều trị hen

 
Thuốc giãn phế quản là những thuốc có tác dụng chủ yếu làm giãn cơ trơn bao bọc xung quanh các phế quản, từ đó giúp làm giãn phế quản, tăng khẩu kính đường thở, do đó, không khí dễ dàng đi qua đường thở để tới các phế nang làm nhiệm vụ trao đổi khí cho hệ hô hấp. Thuốc giãn phế quản hiện nay đang dùng bao gồm 3 nhóm:
 
Thuốc giãn phế quản nhóm xanthine: nhóm thuốc này có hoạt chất theophylline dùng lâu đời, đây là thuốc có tác dụng nhanh, ngắn, tuy nhiên hiện nay, thuốc được sản xuất dưới dạng phóng thích chậm, do đó tạo thuận lợi hơn cho người sử dụng.
 
Thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 adrenergic (gồm 2 nhóm nhỏ hơn: các thuốc tác dụng nhanh, ngắn như fenoterol, salbutamol, terbutaline; các thuốc tác dụng chậm, kéo dài như: salmeterol, bambuterol, formoterol).
 
Thuốc giãn phế quản nhóm kháng cholinergic (thuốc tác dụng nhanh, ngắn: ipratropium bromide, oxitropium bromide; thuốc tác dụng chậm, kéo dài: tiotropium bromide, aclidinium bromide).
 
Dùng thuốc giãn phế quản khá phức tạp, cho nên người bệnh cần đi khám bác sĩ và khi cho đơn thuốc thì theo đúng cách dùng mà bác sĩ chỉ định. Khi dùng thuốc giãn phế quản, cũng cần lưu ý các tác dụng phụ có hại (ADR) có thể xảy ra.
 
ADR thường gặp thuốc giãn phế quản: đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, run nhẹ (đặc biệt ở đầu ngón tay). ADR hiếm gặp: nhức đầu, mất ngủ, giãn mạch ngoại biên, loạn nhịp tim, hạ kali máu, tăng glucose và acid béo tự do trong máu, phản ứng quá mẫn (dị ứng). Dùng đường khí dung có thể gây co thắt phế quản.
 
Dùng nhiều lần sẽ có hiện tượng quen thuốc nhanh do số lượng thụ thể beta 2 adrenergic của phế quản giảm dần (cơ chế điều hòa giảm), bệnh nhân có xu hướng phải tăng liều.
 
Thận trọng khi dùng thuốc này với người: cường tuyến giáp, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đái tháo đường…

 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát