Tôi bị bệnh hen suyễn từ 15 tuổi đến nay đã 61 tuổi. Địa phương đang có chương trình tiêm vắc xin cho toàn dân. Tôi muốn hỏi, như vậy tôi có thể tiêm vắc xin được không
Trả lời:
Chào bạn,
Người trưởng thành ở mọi độ tuổi có bệnh nền nhất định có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn do chủng vi-rút gây bệnh COVID-19. Vắc-xin ngừa COVID-19 được khuyên dùng và có thể tiêm cho hầu hết những người có bệnh nền theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Còn theo Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được Bộ Y tế ban hành ngày 15/7/2021, phạm vi áp dụng trên toàn quốc thì:
- Người có bệnh mạn tính đang tiến triển;
- Người đang bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng
- Ung thư giai đoạn cuối, người đã cắt lách;
- Người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao (tương đương hoặc hơn 2mg prednisolon/kg/ngày trong ít nhất 7 ngày);
- Người mắc bệnh cấp tính... thì thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.
Đối với người trên 65 tuổi, người có tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; người có tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông thì có thể tiêm chủng vaccine COVID-19 nhưng phải chuyển tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện.
Như vậy, trường hợp bạn năm nay 61 tuổi, có tiền sử hen phế quản, nếu bệnh đã được điều trị ổn định thì có thể tiêm phòng vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên nên được tiêm ở bệnh viện, nơi có đủ khả năng cấp cứu.
Ngoài ra, bạn cần chú ý một số điểm sau trong quá trình tiêm chủng:
- Duy trì điều trị kiểm soát tốt triệu chứng của hen phế quản. Bệnh nhân phải ở giai đoạn ổn định (ngoài đợt cấp). Không dùng corticosteroid toàn thân trong vòng 14 ngày.
- Nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng khi khám sàng lọc trước tiêm, ngoài hỏi tiền sử dị ứng, đo mạch, nhiệt độ, huyết áp thì cần khám hô hấp. Bệnh nhân hen phế quản/COPD có chỉ định tiêm khi nhịp thở dưới 25 lần/phút, SpO2> 94%.
- Sau tiêm bệnh nhân được theo dõi tại bệnh viện ít nhất 30 phút. Khi về vẫn dùng các thuốc kiểm soát hen phế quản theo hướng dẫn. Tốt nhất là dùng đường tại chỗ dạng phun hít, hạn chế dùng dạng uống, dạng khí dung. Chú ý theo dõi tình trạng khó thở cũng như dị ứng sau tiêm vaccine. Nếu khó thở tăng, thở rít, nổi ban dát sẩn ngoài da… cần báo ngay cho bác sĩ.
Hi vọng với những thông tin trên có thể giúp bạn nói riêng và những bệnh nhân hen phế quản nói chung có thêm kiến thức cần thiết để chuẩn bị cho đợt tiêm vaccine sắp tới.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!
Tổng đài bác sĩ 1800 5454 35
[Đóng lại]