Ho là phản xạ có lợi để tống dị vật, đờm dãi...ra khỏi đường hô hấp, ngăn không cho vi trùng xâm nhập sâu hơn nữa.
Biện chứng luận trị Đông y tùy biểu hiện người bệnh, tùy nguyên nhân xâm nhập mà phân chia ra Ho hàn, ho nhiệt, ho do phong, do thấp tà... phân ra ho do ngoại cảm, ho do nội thương...thực tình là người thầy thuốc cũng có lúc bối rối khó lòng phân biệt được một cách chính xác tuyệt đối.
Tuy nhiên chúng ta có thể nhận định tương đối tình trạng của con thuộc ho hàn hay ho nhiệt, đây là hai chứng trạng hay gặp nhất khi con bị ho cảm. Bài viết này sẽ giới thiệu các bố mẹ 5 bài thuốc chữa ho hàn dễ làm dễ kiếm mà hiệu quả không ngờ.
Dấu hiệu đặc trưng của ho hàn
Diễn biến tuần tự: Đầu tiên xuất hiện hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi trong rồi chuyển qua trắng đục hoặc xanh…Ho ban đầu thường ho khan, sau chuyển qua ho đờm trắng trong, tiếng ho âm thanh bó lại cảm giác không phát ra được.
Sắc mặt trắng hơi xanh hơi tái, có thể kèm sốt nhẹ 37,5-38,5 độ, hoặc không sốt
Một số trẻ lớn hơn biết kêu đau họng,ngạt mũi, đau đầu…
Có thể kết hợp nôn, ọe, đi ngoài hơi nát hoặc đi nhiều lần, nước tiểu thường trong
Thích được massage, làm ấm lên thì đỡ ho nhanh (bôi xoa dầu tràm, ngâm chân nước ấm, dán cao ấm huyệt dũng tuyền, ăn cháo tía tô hành gừng…)
Ho hàn để lâu không xử lý tốt cũng dễ chuyển thành ho nhiệt.
Theo quan điểm của Tây y thì ho hàn chính một trong các dấu hiệu cảm lạnh do họ Virus Rhinoviruses gây ra. Đông y có thể xếp vào phạm vi chứng cảm mạo phong hàn, phép trị thường là tân ôn giải biểu, chỉ khái, tức là dùng các vị thuốc cay (tân) ấm (ôn), giảm ho ( chỉ khái)... Do đó từ lâu đời dân gian các cụ đã biết dùng các vị thuốc chứa tinh dầu (Cay, ấm) để xông, để đun uống lúc cảm lạnh, ho hàn...mà giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng trở lại lao động bình thường, còn trẻ nhỏ thì chóng khỏi, không bị biến chứng viêm phế quản, viêm phổi...
Một số bài thuốc chữa ho hàn
Bài thuốc số 1: Tía tô chanh đường
Tía tô 3-5 lá, lá chanh 1-3 lá, ngải cứu 1 cọng, lá gai gói bánh gai 1 lá (Nếu không có lá gai với ngải cứu cũng được), rửa sạch, thái vừa, thêm 50-70ml nước lọc, đun sôi 2-3 phút, rót ra để nguội bớt thêm chút đường phèn hoặc đường vàng, mật ong (với trẻ trên 1 tuổi) cho uống rồi ăn cháo ấm. Nếu bé nôn nhiều có thể thêm 1-2 lát gừng mỏng cả vỏ đun chung. Chỗ lá thuốc đó đun uống 3 lần/ ngày.
Áp dụng cho cả trẻ từ 6 tháng tuổi, trẻ nhỏ tháng hơn nên tham vấn ý kiến bác sỹ đông y trước khi dùng.
Đặc biệt hiệu quả với ho kèm sổ mũi, ngạt mũi, chảy mũi trong hoặc ít ho nhưng sổ mũi kéo dài.
Tía tô vị cay, tính ôn; vào kinh phế, tỳ. Có tác dụng tán hàn (trừ lạnh), giải biểu (làm ra mồ hôi), hành khí...
Bài thuốc số 2: Húng chanh đường phèn
Lá húng chanh 5-7 lá tươi, rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát con, cho đường phèn hoặc đường vàng vừa đủ. Đem chưng cách thủy đến khi nào đường phèn tan ra hết thì tắt bếp. Để hiệu quả hơn các bạn có thể chưng đường phèn cho chảy ra thành dạng lỏng rồi mới cho húng chanh vào chứng tiếp 3-5 phút, thì tinh dầu trong húng chanh sẽ hòa tan tốt nhất trong đường phèn, giữ được nhiều dược chất. Chia uống 3-4 lần/ ngày. Mỗi lần uống lại ngâm lại cho ấm.
Áp dụng: Trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên
Hiệu quả với trường hợp chớm ho chớm viêm họng
Cũng có thể đun như bài thuốc số 1 nhưng hiệu quả kém hơn.
Húng chanh có vị cay, tính ấm mùi thơm, có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, có tác dụng chữa viêm họng, giải cảm, cho ra mồ hôi và chữa ho, chữa cảm cúm
Bài thuốc số 3: Gừng, tỏi, mật ong
Gừng tươi nguyên vỏ rửa sạch, để ráo, thái mỏng. Tỏi bóc vỏ đập dập. Tỷ lệ 1 Gừng:1 tỏi bằng nhau. Cả hai cho vào hũ thủy tinh rồi đổ mật ong ngập thuốc, ngâm càng lâu càng tốt. Tầm 1 tuần trở lên là dùng được.
Áp dụng trẻ từ 1 tuổi trở lên. Thích hợp dự phòng mùa đông những hôm gió mùa lạnh tăng cường, trước khi đi học cho bé uống 1-2 thìa cafe.
Khi cần gấp không có sẵn, cũng có thể đun 3 lát gừng với 50-60ml nước sôi trong 2-3 phút, rồi rót ra thêm chút mật ong hoặc đường phèn đường vàng.
Gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh Phế, Tỳ, Vị; có tác dụng tán hàn giải biểu, ấm dạ dày, tiêu nước, dịu ho, cầm nôn, tiêu đàm, giải độc...
Bài thuốc số 4: Lá hẹ đường phèn
Hẹ tươi 20-30g, rửa sạch thái ngắn, chưng đường phèn tương tự như bài số 2 cho bé uống.
Áp dụng cho trẻ từ 6 tháng.
Lá hẹ vị cay hơi chua, hăng, tính ấm, có tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm...
Bài thuốc số 5: Lá trầu mật ong
Lá trầu bánh tẻ 1-2 lá, rửa sạch thái nhỏ, cho vào bát con thêm mật ong vừa đủ ngập, chưng cách thủy, để sôi 3-5 phút thì lấy ra lọc bỏ bã. Chia cho bé uống 3-4 lần trong ngày.
Cách khác lấy 7-10 lá trầu rửa sạch, thái nhỏ, giã hoặc xay rồi vắt lấy nước, thêm khoảng 3 thìa mật ong vào khuấy đều. Chia uống ngày 2-3 lần, sau ăn, mỗi lần 3-4 thìa cafe. Chỗ hỗn hợp lá trầu mật ong đó cho ngăn mát tủ lạnh, mỗi lần dùng lại ngâm ấm lại.
Áp dụng: Trẻ trên 1 tuổi, ho hàn đờm khò khè nhiều, chớm viêm phế quản.
Trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn...
Ngoài ra tùy địa phương mà chúng ta có thể lựa chọn các loại cây vườn nhà khác như lá Xương sông, Húng quế, Lá tràm gió, ... để sử dụng tương tự như 5 bài thuốc trên.
Lưu ý, khi áp dụng các bài thuốc trên trong vòng 2-3 ngày không thấy bé cải thiện tình trạng ho, đờm, mũi... thì bố mẹ nên đưa bé đi khám để tìm đúng nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Bác sĩ YHCT Phạm Thu Hằng
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn