Nếu bạn đang thấy triệu chứng khó thở, thở khò khè của mình mãi không chấm dứt mặc dù đã sử dụng các thuốc điều trị hen phế quản, thì đừng vội đổ lỗi cho rằng là do thuốc hết tác dụng. Có rất nhiều thói quen trong cuộc sống ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Hãy cùng chúng tôi điểm danh 7 thói quen hằng ngày trong cuộc sống có thể khiến bệnh hen phế quản nặng hơn.
7 thói quen hằng ngày trong cuộc sống khiến hen phế quản nặng hơn
Theo giáo sư Selina Gierer thuộc khoa Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng, Đại học Kansas (Mỹ), sử dụng các thuốc cắt cơn hen và kiểm soát các triệu chứng là điều quan trọng hàng đầu đối với bệnh nhân hen phế quản, tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng có rất nhiều yếu tố thuộc về môi trường và thói quen sinh hoạt có thể khiến cơn hen trở nên nặng hơn. Hãy cố gắng từ bỏ và khắc phục những thói quen sau đây nếu bạn không muốn bệnh hen phế quản làm phiền.
1, Đi giày trong nhà
Đế giày của bạn là nơi bám dính của rất nhiều tác nhân dị ứng bên ngoài ngôi nhà như phấn hoa, cỏ phấn hương và bào tử nấm mốc. Nếu bạn dị ứng với một trong số các tác nhân này, việc mang chúng vào trong nhà theo đôi giày có thể làm nặng thêm các triệu chứng hen.
Các tác nhân dị ứng có thể gây ra đáp ứng viêm dẫn tới bịt kín đường dẫn khí và gây khó thở. Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách để giày của bạn bên ngoài nhà và giữ cho sàn nhà luôn sạch sẽ. Nếu bạn vừa mới làm vườn hoặc đi bộ từ nơi nhiều cây cối về, hãy rửa sạch đế giày và tắm sạch để loại bỏ tác nhân dị ứng còn bám trên cơ thể và mái tóc.
2, Lái xe ô tô và mở cửa sổ
Mọi người khi lái xe đều muốn mở cửa sổ trong một ngày đẹp trời để tận hưởng bầu không khí thoáng mát, nhưng bạn có thể không lường trước được rằng các loại phấn hoa có thể bay vào trong ô tô và gây phiền toái cho bạn. Và hãy cẩn thận khi đỗ xe dưới tán cây bởi áo ngoài của bạn sẽ phủ đầy phấn hoa. Lái xe với cửa sổ mở sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân kích thích cơn hen phế quản có điều kiện xâm nhập vào bên trong ô tô của bạn. Ngoài ra, nếu lái xe với cửa sổ mở trong mùa đông lạnh cóng, không khí lạnh cũng có thể gây co thắt khí quản và làm nặng thêm cơn hen.
3, Đặt máy lọc sạch không khí ở sai vị trí
Chiếc máy lọc không khí chỉ có thể giúp loại bỏ những tác nhân bay lơ lửng trong không khí như lông vật nuôi, khói thuốc và các phần tử bụi nếu được đặt ở những vị trí có nhiều những tác nhân này. Theo giáo sư Gierer, không nên đặt thiết bị lọc HEPA ở góc nhà mà hãy đặt ở trung tâm ngôi nhà nơi mà có nhiều người qua lại. Để giữ cho các thiết bị lọc không khí làm việc hiệu quả, bạn sẽ cần phải làm sạch hoặc thay thế các màng lọc thường xuyên theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bạn cũng nên làm tương tự như đối với máy hút bụi và hệ thống điều hòa không khí trong nhà.
4, Sử dụng thuốc kháng viêm
Đối với một số người, sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen và naproxen trên thực tế còn gây viêm đường dẫn khí nặng hơn và kích thích các triệu chứng của cơn hen phế quản. Các bác sỹ gọi hiện tượng này là bệnh đường hô hấp nhạy cảm với aspirin (AERD) hay tam chứng Samter. Do vậy, nếu bạn lưu ý những dấu hiệu cảnh báo cơn hen sau khi sử dụng những loại thuốc này, hãy tới bệnh viện khám ngay.
5, Lựa chọn sai chất tẩy rửa
Theo giáo sư Gierer, bất cứ loại chất tẩy rửa nào có mùi quá hắc, hay mùi thơm quá nồng hoặc thuốc xịt chứa hóa chất đều có thể trở thành tác nhân gây kích ứng đường hô hấp và dẫn tới viêm, hò và khó thở. Bà khuyến cáo những bệnh nhân đang mắc hen phế quản nên thay thế các loại chất tẩy rửa tổng hợp bằng các sử dụng hỗn hợp giấm trắng hòa với nước để thay thế. Hỗn hợp này vừa có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và là sự thay thế phù hợp cho các loại hóa chất tẩy rửa.
6, Bơi lội ở hồ bơi trong nhà
Mặc dù bơi lội là môn thể thao rất tốt cho những người bị hen phế quản, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dành quá nhiều thời gian ngâm mình trong hồ bơi chứa hợp chất chlorine có thể làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản và các bệnh đường hô hấp khác. Hồ bơi trong nhà còn là nơi tập trung của các bào tử nấm mốc – cũng là một tác nhân gây hen. Nếu bạn nhận thấy có một số triệu chứng bất thường sau khi bơi lội (khó thở, sổ mũi, mắt đỏ và ngứa trên da), hãy ngừng việc bơi lội và lựa chọn sang một môn thể thao khác.
7, Đốt nến thơm trong phòng
Trông thì có vẻ lãng mạn nhưng trong nến thơm có chứa các chất tạo mùi thơm, khói và các chất hóa học có thể gây thở khò khè và làm nặng thêm tình trạng của những bệnh nhân hen phế quản. Do vậy, tốt nhất là nên tránh tiếp xúc với những chất gây kích ứng này và sử dụng loại nến bình thường bạn nhé.
Hy vọng bài viết của chúng tôi sẽ giúp các bạn thay đổi những thói quen hằng ngày trong cuộc sống, Các thói quen này có thể khiến tình trạng hen phế quản nặng hơn, do đó hãy chú ý thay đổi những thói quen xấu này nhé.
Trang thông tin Bệnh Hen.
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn