Tăng nghỉ ngơi, uống đủ nước, bữa ăn lành mạnh, thở mím môi sẽ giúp người bệnh viêm phế quản giảm bớt các triệu chứng khó chịu.
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm, phù nề, xuất tiết niêm mạc của ống phế quản ở bên trong phổi. Loại bệnh này được chia ra làm hai dạng như sau:
+ Viêm phế quản cấp tính: Sau vài ngày bệnh sẽ có dấu hiệu cải thiện tốt hơn nhưng những cơn ho vẫn sẽ kéo dài hơn cả tuần sau đó.
+ Viêm mạn tính: Là một dạng rối loạn tái phát và có thể lặp lại nhiều lần. Những triệu chứng của dạng này thường là các cơn ho có đờm trong tối thiểu là 3 tháng hoặc có thể kéo dài trong nhiều năm. Khi bệnh duy trì trong thời gian dài và tái phát nhiều lần có thể khiến cho phổi của người bệnh bị tắc nghẽn mạn tính.
Nguyên nhân chính gây viêm phế quản thường là do virus và bệnh thường xuất hiện sau khi khởi phát các triệu chứng như cảm lạnh hoặc bị cảm cúm. Bên cạnh đó, viêm phế quản xuất hiện còn vì một vài nguyên nhân khác như bị nhiễm hóa chất, bị nhiễm trùng, do khói bụi từ môi trường ô nhiễm xung quanh khiến cho phế quản bị kích ứng dẫn đến tình trạng viêm.
Đặc biệt, người hay hút thuốc lá với tần suất cao và kéo dài hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi độc hại cũng có thể bị viêm phế quản. Một vài bệnh lý cần lưu ý như bệnh hen suyễn, bị xơ nang hay chứng viêm phế quản mạn tính đều có thể xuất hiện các đợt viêm phế quản cấp tính.
Một số triệu chứng điển hình của viêm phế quản (Ảnh minh họa)
Một số cách tự nhiên giúp cải thiện bệnh viêm phế quản
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì một số biện pháp sau có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh:
Nghỉ ngơi và uống đủ nước
Triệu chứng chính của viêm phế quản là mệt mỏi do nhiễm trùng và ho dai dẳng. Trong khi đó, giấc ngủ có thể tăng cường miễn dịch, hỗ trợ phục hồi sau khi mắc bệnh, sửa chữa tổn thương mô và tạo mô mới. Đồng thời, ngủ đủ giấc giúp giải phóng các hormone quan trọng, tái tạo năng lượng cơ thể. Vì vậy, người bệnh viêm phế quản nên nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc.
Người lớn cần ngủ 7-8 tiếng còn trẻ em cần ngủ 10-12 tiếng một ngày, không thay đổi đối với người mắc viêm phế quản. Khi ngủ, mọi người nên sử dụng một chiếc gối để kê cao đầu, giúp thở dễ hơn, giảm chất nhầy trong ngực.
Uống đủ nước
Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, có thể gây mất nước nhiều hơn do sốt, thở nhanh, sổ mũi, nôn mửa và tiêu chảy. Mất nước nặng có thể dẫn đến chóng mặt, lú lẫn, đau đầu, khó chịu hơn ở miệng và cổ họng. Vì vậy, người bệnh viêm phế quản được khuyến cáo uống nhiều nước.
Uống đủ nước còn giúp giảm chất nhầy ở ngực, mũi, làm ẩm cổ họng. Người bệnh nên thay đổi giữa nước, nước trái cây, trà thảo dược, súp, canh để tránh gây chán khi phải uống nhiều nước.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Độ ẩm thấp và nhiệt độ lạnh là điều kiện thuận lợi gây nhiễm trùng đường hô hấp. Độ ẩm thấp kích ứng mũi và cổ họng, đồng thời gây ngứa mắt và khô da. Còn không khí nóng, ẩm giúp làm lỏng chất nhầy trong ngực khi bị viêm phế quản, giúp cơ thể đào thải dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, máy tạo độ ẩm cũng là nơi trú ngụ của nấm mốc và vi khuẩn khi không được bảo trì, vệ sinh đúng cách. Khi máy tạo độ ẩm quá cao, có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và các cơn dị ứng, hen suyễn.
Nếu không muốn sử dụng máy tạo độ ẩm, mọi người có thể làm ẩm không khí bằng cách đun nước sôi trên bếp trong 5 phút, cách một tiếng đun một lần. Ngoài ra, mọi người có thể thêm một vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc khuynh diệp vào nồi nước sôi, xông trong vài phút để giảm các triệu chứng.
Bỏ thuốc lá
Thuốc lá là nguyên nhân chính gây viêm phế quản mạn tính. Hút thuốc làm hỏng các ống phế quản trong phổi, phá vỡ khả năng phòng vệ của cơ thể với nhiễm trùng. Hít phải khói thuốc khiến bệnh nhân viêm phế quản ho dữ dội.
Bỏ thuốc lá sẽ giảm hạn chế tổn thương phổi, giảm khả năng mắc viêm phế quản cấp tính trong tương lai. Bên cạnh đó, mọi người tránh bụi, hóa chất bằng cách đeo khẩu trang, không đến khu vực ô nhiễm không khí, vệ sinh hệ thống điều hòa trong nhà theo khuyến cáo.
Trị nhức mỏi toàn thân
Mọi người có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen để giảm triệu chứng của bệnh viêm phế quản, ví dụ như sốt, nhức đầu và đau nhức. Gia đình không dùng aspirin cho trẻ em, thiếu niên, do có nguy cơ mắc hội chứng Reye. Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), ví dụ aspirin và ibuprofen, có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh hen suyễn.
Tránh dùng thuốc giảm ho không kê đơn
Có hai loại thuốc giảm ho không kê đơn gồm thuốc ngăn chặn phản xạ ho và thuốc long đờm, làm loãng và tống chất nhầy khỏi đường hô hấp. Mọi người không nên sử dụng thuốc giảm ho khi có đờm. Khi niêm mạc của các ống phế quản bị viêm bởi các chất kích thích, chất nhầy dư thừa được tạo ra, gây ho thường xuyên để loại bỏ mầm bệnh khỏi khỏi phổi và đường thở.
Có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy thuốc ho hiệu quả hơn các biện pháp dân gian khác, ví dụ mật ong và chanh. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh hoặc dưới một tuổi không uống mật ong do có thể gây ngộ độc. Có thể dùng các loại thuốc thảo dược để tống xuất đờm hiệu quả mà an toàn cho cơ thể.
Thở mím môi
Người bị viêm phế quản mạn tính thường thở nhanh. Phương pháp thở mím môi có thể giúp làm chậm nhịp thở và kiểm soát tình trạng khó thở. Phương pháp này giúp giảm tần suất hít thở, giữ cho đường thở mở trong thời gian dài hơn và tăng hoạt động thể chất.
Để tập thở mím môi, mọi người nên hít vào bằng mũi trong hai lần đếm, sau đó thở ra từ từ và nhẹ nhàng qua đôi môi hơi mím lại, đồng thời đếm đến bốn.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống không lành mạnh làm giảm miễn dịch do cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng đa lượng, vi lượng cụ thể. Ví dụ thiếu vitamin C khiến cơ thể không sản sinh đủ tế bào bạch cầu để chống lại nhiễm trùng.
Bữa ăn lành mạnh chứa nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, thịt nạc, thịt gia cầm, cá, đậu, trứng và các loại hạt; sữa không béo, ít béo; hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol, giảm muối và đường.
Viêm phế quản cấp tính thường sẽ tự khỏi và có thể điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc kháng viêm không steroid và uống đủ nước, trong khoảng 3 tuần. Nếu bị ho kéo dài trên 3 tuần, hoặc có máu trong chất nhầy, thở gấp, đau ngực, buồn ngủ, sốt trên 3 ngày, mọi người nên đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Tổng đài tư vấn sức khỏe miễn cước 1800 54 54 35
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn