Ở những phụ nữ đã mắc hen phế quản, trước khi mang thai thường có sự dự phòng trước và kiểm soát hen ổn định mới bước vào thai kỳ. Nhưng ở những phụ nữ đang trong thai kỳ nhưng bị hen phế quản thì việc điều trị hen ra sao?
Có nguy hiểm cho mẹ và bé hay không? Hãy cùng tìm câu trả lời cho câu hỏi “bà bầu bị hen phải làm sao” qua nội dung dưới đây.
Nguy cơ mắc hen phế quản ở bà bầu
Hen phế quản (hen suyễn) là bệnh lý tại đường dẫn khí của phổi (phế quản) và gây ra bởi quá trình viêm mạn tính (kéo dài) của phế quản. Tình trạng viêm mạn tính này làm cho phế quản người bệnh trở nên nhạy cảm với nhiều tác nhân khác nhau.
Bà bầu nếu bị hen phế quản thường có những dấu hiệu như: ho, khò khè (tiếng khò khè thường nghe thấy ở thì thở ra hoặc cũng có thể nghe thấy được ở thì hít vào), khó thở, nặng ngực, thở hụt hơi...Triệu chứng thường xuất hiện nhiều về đêm gần sáng; các triệu chứng xuất hiện tăng nặng khi gắng sức hay tiếp xúc với một số dị nguyên (nước tẩy rửa, khói thuốc lá, khói bếp, lông thú nuồi...); Ở một số trường hợp, bà bầu sẽ cảm thấy các triệu chứng gần như “cảm cúm” kéo dài hơn 10 ngày.
Đa phần bà bầu mắc hen phế quản thường có tiền sử bản thân và gia đình mắc các bệnh về dị ứng như chàm, mề đay, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mùa xuân, dị ứng thức ăn....
Bị hen phế quản khi mang thai có nguy hiểm không?
Ở mức độ nhẹ của bệnh, các cơn hen cấp tính với các triệu chứng ho, khò khè, khó thở, nặng ngực chưa xuất hiện thường xuyên, bà bầu thường có tâm lý chủ quan, đề phòng, không chủ động thăm khám và điều trị. Đây chính là sai lầm dẫn đến tình trạng hen phế quản tăng nặng theo thời gian của thai kỳ, hen không được kiểm soát dẫn đến những hệ quả nguy hiểm như sinh non, tăng huyết áp, thai kém phát triển, chết lưu hoặc sau khi sinh có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ và con.
Tóm lại, hen phế quản có thể sẽ làm xuất hiện những nguy hiểm nhất định cho cả mẹ và bé nhưng nếu hen phế quản được kiểm soát tốt thì chuyện đó sẽ không xảy ra. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy khi bà bầu chuyển dạ thì các cơn hen cũng ít xuất hiện nên các mẹ không nên quá lo lắng. Hãy nhớ dù có bất kỳ thay đổi nào của cơ thể cũng cần được thông báo với bác sĩ, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm sẽ giảm được nguy cơ đối với cả mẹ và bé.
Bà bầu bị hen phải làm sao?
Bà bầu bị hen phải làm sao?
Câu trả lời là điều trị hen theo hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ để bệnh lý hen không ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Mục đích của việc điều trị hen ở bà bầu là ngăn chặn những cơn thiếu ôxy cho mẹ, đồng thời giúp cung cấp ôxy đầy đủ cho thai nhi.
Điều trị tối ưu bao gồm: kiểm soát chức năng hô hấp; tránh các yếu tố gây kịch phát gây cơn hen cấp tính; tư vấn và điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường với hai nhóm thuốc chính là thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng hen. Việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo nguyên tắc sử dụng lượng thuốc thấp nhất có hiệu quả để kiểm soát bệnh hen. Hầu hết các phương pháp điều trị bệnh hen theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay là an toàn trong thời kỳ mang thai.
Ngoài việc duy trì điều trị hen thì mẹ cần theo dõi thường xuyên thai kỳ để đánh giá sự phát triển của thai nhi. Khi theo dõi sự phát triển của thai nhi thì điều cần nhất là thai phụ nhớ ngày có kinh lần sau cùng hoặc siêu âm trong 12 tuần đầu của thai kỳ để tính ngày dự sinh tương đối chính xác. Việc siêu âm thường được khuyến cáo ít nhất một lần trong mỗi tam cá nguyệt: giai đoạn thai 11-13 tuần (đo độ mờ da gáy); giai đoạn thai 22-24 tuần (kiểm tra hình dạng thai) và giai đoạn thai sau 36 tuần (ngôi, ối, trọng lượng, dây rốn, trưởng thành bánh nhau) để theo dõi, phát hiện, đồng thời bảo đảm rằng thai phát triển bình thường. Theo dõi cử động thai là quan trọng, nhất là từ sau 28 tuần tuổi thai hoặc sau mỗi cơn hen.
Với phụ nữ đã mắc hen, có ý định mang thai thì cần chủ động kiểm soát hen hoàn toàn trước khi mang thai, kể cả những trường hợp mắc hen từ nhỏ, khỏi một thời gian thì khi mang thai kèm theo những thay đổi phức tạp của cơ thể, hen phế quản có thể trở lại bất kỳ lúc nào. Chủ động điều trị trước khi mang thai, tiêm phòng cúm, sởi quai bị rubella trước khi có kế hoạch chào đón bé yêu.
Với bà bầu mắc hen phế quản trong quá trình mang thai, cần đảm bảo bệnh hen đã được điều trị dưới sự tư vấn, hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa hô hấp và được quản lý và theo dõi tốt của bác sĩ chuyên khoa sản. Sự phối hợp giữa hai chuyên khoa này là yếu tố quyết định cho sự an toàn của thai phụ và con của họ trong quá trình mang thai, khi chuyển dạ và trong giai đoạn sau sinh.
Phương án tốt nhất dành cho bà bầu đang điều trị hen đó chính là thăm khám theo đúng chỉ dẫn của các y bác sĩ và theo dõi tình trạng phổi thường xuyên. Đặc biệt không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn, đặc biệt là các thuốc có tác dụng toàn thân. Về theo dõi chức năng phổi, do không thể chụp x – quang cho người phụ nữ đang mang thai nên đo dung tích phổi sẽ là liệu pháp kiểm soát và theo dõi tình trạng hô hấp của người mẹ. Ngoài ra, sự chú ý, theo dõi vào nhịp thở cũng là một liệu pháp cần làm.
Theo các chuyên gia, để an toàn nhất cho bà bầu bị hen thì cần lưu ý những tác nhân gây hen, hạn chế các nhân gây hen ở mức tối đa có thể giúp tình trạng bệnh tốt hơn. Những biện pháp cần thực hiện bao gồm:
- Đảm bảo chất lượng không khí nơi sinh hoạt. Không sử dụng những chất kích thích có mùi hương lạ hoặc khó chịu hay là mùi hương dị ứng với người bà bầu. Kèm với lông thú nuôi, hay mùi phấn hoa cũng là một trong những tác nhân dễ gây kích thích không tốt cho người bị hen suyễn
- Tránh khói, bụi tối đa. Khói thuốc lá, bụi bẩn, khói bếp, khói công nghiệp,….
- Không căng thẳng, không stress, hạn chế các cơn tức giận hoặc những trạng thái tinh thần không tốt. Luôn lạc quan, vui vẻ và tạo sự thoải mái cho bà bầu.
- Đảm bảo đủ dinh dưỡng, không ăn những thực phẩm chứa chất bảo quản, thực phẩm có thể gây dị ứng.
Đó là tất cả gợi ý cho câu hỏi bà bầu bị hen phải làm sao? Hy vọng những thông tin này có thể giúp các mẹ bầu an tâm hơn phần nào. Chào đón con yêu luôn là sứ mệnh cao cả và vô cùng khó khăn. Hãy luôn vững tâm mẹ nhé! Chúc mẹ luôn vui, bé luôn khỏe mạnh.
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn