Con tôi năm nay 10 tuổi. Có 1 lần cháu lên cơn khó thở tôi phải đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu vì cháu khó thở và hơi thở rít. Bác sĩ nói con tôi bị suyễn, tôi rất lo. Liệu cháu có bị trở lại hay không?
Chế độ dinh dưỡng ra sao và phải chăm sóc cháu như thế nào vì vợ chồng tôi không có ai bị bệnh này. Tôi xin hỏi là bệnh con tôi có tự miễn được khi cháu lớn dần mà không bị tái phát sau này hay không? Bệnh này có phải do di truyền hay không? Vì tôi thấy em chồng tôi cũng bị suyễn và 2 con của chú ấy cũng bị suyễn.
Trần Thị Thanh Hương
- Trả lời của bác sỹ Nguyễn Đình Nam:
1/
Hen suyễn đúng là bệnh có tính chất gia đình nghĩa là nếu trong gia đình có người bị hen suyễn thì thành viên khác cũng có khả năng bị.
Trong gia đình của bạn tuy bạn và chồng bạn không bị hen suyễn nhưng em chồng bạn bị hen suyễn và con của chú ấy cũng bị nên con của bạn bị hen suyễn cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng có một số trường hợp trong gia đình hoàn toàn không có ai bị hen suyễn cả mà con lại bị hen suyễn hoặc ngược lại cũng có trường hợp có nhiều người từng bị hen suyễn nhưng con sinh ra không bị hen suyễn. Là vì hen suyễn là do tương tác giữa các yếu tố di truyền trong cơ thể và yếu tố gây dị ứng đến từ môi trường mới hình thành nên bệnh.
2/ Đặc điểm của bệnh hen suyễn là diễn tiến thành những đợt hen cấp tính xen lẫn với những giai đoạn hen hoàn toàn ổn định, nghĩa là không có triệu chứng gì. Như vậy nếu con bạn đã có chẩn đoán là hen suyễn, đã có cơn hen cấp một lần thì rất có khả năng cơn hen cấp này sẽ quay trở lại. Tuy nhiên với điều trị hiện đại phòng ngừa cơn hen suyễn người ta có thể kiểm soát hoàn toàn không cho cơn hen suyễn cấp xuất hiện trở lại. Ngoài ra đối với các cháu nhỏ khi vào tuổi dậy thì khoảng 1/4 trường hợp sẽ tự khỏi bệnh hoàn toàn mà không cần điều trị gì cả, 2/4 còn lại triệu chứng thưa hẳn ra và chỉ có 1/4 vẫn tiếp tục có triệu chứng hen suyễn dai dẳng mà thôi.
3/ Trong quá trình chăm sóc cháu có ba điểm cần nhớ: một là tránh cho cháu tiếp xúc ô nhiễm từ môi trường mà quan trọng nhất là khói thuốc lá, hai là tránh lạm dụng kháng sinh cho cháu, ba là nuôi dưỡng cháu trong môi trường nhẹ nhàng an bình tránh các stress, căng thẳng.
Còn đối với việc ăn uống, đúng là thức ăn có thể gây cơn hen nhưng trên mỗi người mỗi khác, nguyên tắc là nếu ăn uống thứ gì mà sau đó cháu thấy khó chịu, ho, khó thở, nổi mề đay chẳng hạn thì tức là cháu đã dị ứng với thức ăn đó, như vậy sẽ phải tránh tuyệt đối. Còn nếu cháu không có triệu chứng gì thì cứ ăn uống bình thường. Kiêng cữ tuyệt đối các thức ăn dị ứng như tôm cua cá biển là hoàn toàn không nên vì như thế cháu sẽ suy dinh dưỡng, chỉ kiêng thứ nào cháu dị ứng mà thôi.
Trong quá trình điều trị và kiểm soát hen ở trẻ, khi cần hỗ trợ thông tin về bệnh lý, mẹ có thể gọi tới số tổng đài bác sỹ hô hấp 1800 5454 35.
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn