Viêm phế quản là bệnh hô hấp thường gặp nhất trong các chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Ngoài chỉ định dùng thuốc Tây y thì người bệnh cũng quan tâm nhiều đến những phương pháp hỗ trợ làm giảm bệnh từ tự nhiên. Bài viết này sẽ giới thiệu tới người bệnh những bài thuốc nam trị viêm phế quản hiệu quả.
Viêm phế quản là gì? Nguyên nhân gây viêm phế quản là gì?
Theo quan điểm của Đông y, bệnh lý viêm phế quản thuộc phạm vi của chứng khái thấu, đàm ẩm. Nguyên nhân gây viêm phế quản là do ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt và khí táo. Phong hàn và phong nhiệt xâm phạm vào cơ thể làm phế khí mất khả năng tuyên giáng gây ho, đờm nhiều; khí táo làm tân dịch của phế bị giảm sút, hàn thấp dương hàn sinh đàm ẩm, nhiệt thương phế làm phế thận âm hư, dẫn đến ho, đàm nhiều.
Theo quan điểm của Tây y, viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc của ống phế quản. Khi ống phế quản bị viêm sẽ dẫn đến hiện tượng lớp tế bào trong ống phế quản bị tổn thương, niêm mạc của ống phế quản bị phù nề, các cơ trơn dưới lớp mô bị phù nề và ống phế quản sẽ tiết ra các chất dịch nhầy gây bít tắc phế quản. Đó chính là nguyên nhân khiến người bệnh mắc viêm phế quản thường ho, thở khò khè, khi ho thường ho ra chất nhầy có màu xanh đậm hoặc vàng.
Phân loại viêm phế quản
Viêm phế quản thường chia thành 2 loại:
- Viêm phế quản cấp tính: triệu chứng kéo dài từ 5 - 7 ngày, có thể tự cải thiện trong vài ngày.
- Viêm phế quản mạn tính: thường lặp đi lặp lại, dễ tái phát khi thời tiết thay đổi và có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm khi bệnh kéo dài.
Tây y điều trị viêm phế quản như thế nào?
Viêm phế quản có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Ho: có thể ho kéo dài, tăng dần và dai dẳng lâu ngày. Có thể là ho khan hoặc ho có đờm đặc (màu xanh đậm hoặc màu vàng), thậm chí là ho ra máu.
- Sốt dai dẳng (có thể sốt nhẹ), cảm lạnh, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi,…
- Khó thở, thở khò khè, tức ngực, mệt mỏi kèm theo chứng buồn nôn, tiêu chảy,…
Mục tiêu điều trị là điều trị triệu chứng và giảm viêm của phế quản. Một số loại thuốc Tây y được chỉ định trong điều trị viêm phế quản thường là:
- Thuốc kháng viêm: có tác dụng giảm viêm và phù nề của niêm mạc phế quản. Thuốc dùng theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng, tự ý dùng thuốc hay lạm dụng thuốc không có chỉ định của bác sĩ có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
- Thuốc ho, long đờm: Viêm phế quản thường có ho có đờm. Thuốc long đờm có tác dụng làm tiêu đờm, hạn chế tình trạng tiết đờm của niêm mạc, giúp ống phế quản của người bệnh được thông suốt, hô hấp dễ dàng hơn.
- Thuốc kháng sinh: Thông thường, bệnh viêm phế quản không cần điều trị kháng sinh bởi nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh là virus mà kháng sinh thì không diệt được virus. Tuy nhiên, những trường hợp mắc bệnh có thêm các triệu chứng do vi khuẩn gây nên như có đờm xanh hoặc vàng, những người bị mắc viêm phế quản kèm theo chứng suy giảm miễn dịch,… sẽ được điều trị bệnh với kháng sinh. Một số loại kháng sinh thường được sử dụng bao gồm: penicillin, ampicillin, amoxicillin, quinolone,...
Cháo hạnh nhân là một trong những bài thuốc Nam trị viêm phế quản hiệu quả (Ảnh minh họa)
Bài thuốc nam trị viêm phế quản
Tùy theo viêm phế quản là cấp tính hay mạn tính mà cách dùng thuốc sẽ khác nhau. Dưới đây là một một số bài thuốc nam trị viêm phế quản người bệnh có thể tham khảo:
Món ăn
- Cháo bách hợp, hạnh nhân: Bách hợp tươi 50g, hạnh nhân 10g, gạo tẻ 50g. Cách làm: Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu cháo, đến khi gần được cho bách hợp và hạnh nhân (bỏ vỏ) vào, cho thêm ít đường, ăn trong ngày, có công dụng nhuận phế, trừ ho, dùng tốt cho người bệnh viêm phế quản, khí quản. Lưu ý: Không dùng bách hợp trong trường hợp cảm lạnh, tiêu chảy, tỳ vị hư hàn.
- Cháo ý dĩ, hạnh nhân: Ý dĩ nhân 30g, hạnh nhân 10g, đường phèn vừa đủ. Cách làm: Lấy ý dĩ nhân nấu cháo, đợi khi gần chín cho hạnh nhân vào, để lửa nhỏ nấu đến khi chín, cho đường phèn, ăn vào buổi tối, sáng. Tác dụng: Hóa đờm bình suyễn.
- Cháo phổi lợn, ý dĩ: Phổi lợn 500g, ý dĩ nhân 50g, gạo lức 100g. Cách làm: Phổi lợn rửa sạch, nước vừa đủ, cho 1 chút rượu, nấu chín vớt ra, thái miếng nhỏ rồi cho vào nồi cùng gạo lức đãi sạch, ý dĩ nhân, hành, gừng tươi, gia vị vừa đủ, đun to lửa cho sôi sau nhỏ lửa, hầm đến khi gạo chín nhừ là được. Ngày 1 bát, chia vài lần, ăn thường xuyên rất có hiệu quả đối với người bệnh viêm phế quản.
- Cháo hạnh nhân: Hạnh nhân 15g, gạo tẻ 50g. Cách làm: Hạnh nhân bỏ vỏ, nghiền mịn, rồi nấu với gạo thành cháo, khi ăn nêm gia vị. Ăn nóng, vào sáng sớm và chiều tối. Dùng cho người bệnh viêm phế quản, ho, khó thở, ngực bứt rứt.
- Cháo bí đao, ý dĩ: Bí đao 30g, ý dĩ nhân 15g, gạo lức 100g. Cách làm: Bí đao rửa sạch, nấu lấy nước bỏ bã; ý dĩ, gạo lức đãi sạch. Cho tất cả vào nồi nấu thành cháo, chia 2 lần ăn trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm ho, tan đờm.
- Lê hấp đường phèn: Lê 2 quả, bột bối mẫu 10g, đường phèn 30g. Cách làm: Quả lê ngâm rửa sạch, khoét bỏ hạt, cho bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, hấp chín. Ăn 2 lần (sáng, tối) trong ngày. Công dụng: Trị viêm phế quản cấp, họng khô đau, ho khan ít đờm.
Trà hỗ trợ giảm tình trạng viêm phế quản
- Trà phật thủ: Phật thủ 30g, đổ nước vừa đủ đun sôi chắt lấy 200ml nước, hòa 20ml mật ong uống thay trà trong ngày. Công dụng: Nhuận phế, giảm ho, tiêu đờm, dùng tốt cho người bệnh viêm phế quản mạn tính.
- Trà quất: Trà mạn 2g, vỏ quất khô 2g. Cho cả hai thứ vào nước sôi hãm 10 phút. Ngày uống 2 lần, uống nóng sau các bữa ăn. Công dụng: Trị ho có đờm, giảm kích thích phế quản phổi, dạ dày trướng hơi không tiêu.
- Trà trám, mơ: Quả trám tươi 50g (có thể dùng trám khô 10g), quả mơ 10g, đường trắng vừa đủ. Bổ quả trám và mơ ra, cho nước vào đun 20 phút, bỏ bã lấy nước, thêm chút đường trắng, uống thay trà trong ngày. Tác dụng: Thanh nhiệt giải độc, trị ho, nhuận táo, hóa đờm.
- Trà la hán quả: Quả la hán 20g, nước 500ml. Cho quả la hán vào cốc, cho nước sôi đậy lại, ngâm 30 phút, uống ấm thay trà trong ngày. Công dụng: Trị ho, hóa đờm, thanh nhiệt, nhuận phế.
- Trà mật ong, trứng gà: Mật ong 30g, trứng gà 1 quả. Mật ong cho thêm một ít nước đun sôi; đập trứng vào, lấy đũa đánh cho tan. Ngày uống 1 - 2 lần, uống nóng. Công dụng: Nhuận phế, trị ho, chữa viêm phế quản mạn tính, khản tiếng.
Bài thuốc Đông y chữa viêm phế quản cấp tính và mạn tính
1. Viêm phế quản cấp tính: Thường do phong hàn, phong nhiệt và khí táo gây ra.
Do phong hàn: Gặp ở giai đoạn đầu của viêm phế quản cấp. Người bệnh ho ra đờm loãng, trắng, dễ khạc, sốt, sợ lạnh, nhức đầu, chảy nước mũi, ngứa cổ, khàn tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Phép trị là tán hàn, tuyên phế. Dùng 1 trong các bài thuốc:
Bài 1: tía tô 12g, lá hẹ 10g, trần bì 6g, kinh giới 10g, xuyên khung 6g, bạch chỉ 8g, rễ chỉ thiên 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Hạnh tô tán: hạnh nhân 10g, tô diệp 10g, tiền hồ 10g, bán hạ chế 6g, chỉ xác 6g, gừng 3 lát, trần bì 4g, phục linh 6g, cam thảo 6g, cát cánh 8g, đại táo 4 quả. Tất cả tán bột uống ngày 15 – 20g chia làm 2 lần.
Do phong nhiệt: Gặp ở viêm phế quản cấp và đợt cấp của viêm phế quản mạn. Người bệnh ho, khạc nhiều đờm màu vàng, trắng dính, họng khô đau, sốt, nhức đầu, sợ gió, rêu lưỡi mỏng vàng, mạch phù sác. Phép trị là sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế. Dùng 1 trong các bài thuốc sau:
Bài 1: Tang hạnh thang gia giảm: tang diệp 12g, hạnh nhân 8g, tiền hồ 8g, chi tử 8g, bối mẫu 4g, sa sâm 8g, tang bạch bì 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Tang cúc ẩm gia giảm: tang diệp, cúc hoa, liên kiều, ngưu bàng tử, hạnh nhân, tiền hồ (mỗi vị 12g); bạc hà 6g; cát cánh 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu đờm nhiều vàng dính kèm theo sốt, bỏ tang diệp, cúc hoa, bạc hà, ngưu bàng; gia hoàng cầm 12g, ngư tinh thảo 20 – 40g.
Do khí táo: Gặp ở viêm phế quản cấp khi trời hanh. Người bệnh ho khan nhiều, ngứa họng, miệng họng khô, nhức đầu, mạch phù sác. Phép trị là hành phế nhuận táo, chỉ khái. Dùng 1 trong các bài:
Bài 1: tang bạch bì, mạch môn, lá tre, sa sâm, thiên môn, hoài sơn (mỗi vị 12g); lá hẹ 8g; thanh cao 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Thanh táo cứu phế thang: tang diệp 12g, thạch cao 12g, cam thảo 16g, mạch môn 12g, tỳ bà diệp 12g, hạnh nhân 8g, gừng 4g, a giao 8g, đẳng sâm 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
2. Viêm phế quản mạn tính: được chia làm 2 thể đàm thấp và hàn ẩm.
Thể đàm thấp: Người bệnh ho hay tái phát, trời lạnh và buổi sáng ho nhiều, đờm dễ khạc màu trắng loãng hoặc cục dính, bụng đầy tức, kém ăn, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu hoạt. Phép trị là táo thấp hóa đàm, chỉ khái. Dùng một trong các bài:
Bài 1: vỏ quýt sao 10g, vỏ vối sao 10g, hạt cải trắng 10g, bán hạ chế 8g, cam thảo dây 8g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: Nhị trần thang gia giảm: trần bì 10g, bán hạ chế 8g, phục linh 10g, cam thảo 10g, hạnh nhân 12g, thương truật 8g, bạch truật 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu đờm nhiều, gia bạch giới tử 8g; tức ngực, gia chỉ xác 12g.
Thể hàn ẩm: Hay gặp ở người bệnh viêm phế quản mạn tính kèm theo giãn phế nang ở người già, người giảm chức năng hô hấp, tâm phế mạn. Người bệnh ho hay tái phát, khó thở, khi trời lạnh ho tăng, đờm nhiều loãng trắng, sau khi vận động, triệu chứng trên càng nặng hơn, người bệnh không nằm được, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch tế nhược. Phép trị là ôn phế hóa đàm. Dùng bài thuốc: ma hoàng 6g, quế chi 6g, can khương 4g, tế tân 4g, ngũ vị tử 6g, bán hạ chế 8g, cam thảo 4g, bạch thược 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu ho nhiều, gia tử uyển 12g, khoản đông hoa 8g. Nếu rêu ứ đọng nhiều, gia đinh lịch tử 12g./.
Hi vọng những thông tin trên có thể giúp người bệnh biết thêm về một số bài thuốc nam trị viêm phế quản hiệu quả. Trong trường hợp bệnh diễn tiến nặng lên, sốt kèm theo các triệu chứng khác như khó thở, ho ra máu, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và theo dõi điều trị.
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn