Hen suyễn là bệnh lý mạn tính rất nguy hiểm với nhiều hậu quả nghiêm trọng. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000 người tử vong do hen. Điều quan trọng hơn là 85% những trường hợp tử vong do hen suyễn hoàn toàn có thể tránh được nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách và kịp thời.
Các trường hợp tử vong do bệnh hen suyễn đa phần đều do người bệnh không qua được cơn hen cấp tính. Vậy cần lưu ý những gì khi cơn hen suyễn cấp tính khởi phát? Cách làm giảm cơn hen suyễn tại nhà tốt nhất cho người bệnh? Cùng tham khảo qua nội dung bài viết sau.
Cơn hen suyễn có thể gây tử vong
Hen suyễn là bệnh lý hô hấp mạn tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi và có thể ảnh hưởng đến 1 – 18% dân số thế giới tùy theo từng quốc gia. Tính riêng tại Việt Nam, tỉ lệ mắc hen trung bình khoảng 3,9% dân số (trẻ em từ 13 – 14 tuổi chiếm 14,8%) tương đương khoảng 4 triệu người mắc hen và có thể lấy đi sinh mạng của 3 – 4000 người/năm. Do đó, việc nhận biết cơn khó thở và xử trí để làm giảm cơn hen suyễn tại nhà là hết sức quan trọng đối với bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt trước khi được đưa vào bệnh viện.
Cơn hen không phải bệnh hen
Nhiều người mắc hen suyễn còn chưa nhận thức đủ và đúng về căn bệnh nguy hiểm này, thường cho rằng khi nào có dấu hiệu của một cơn hen suyễn thì mới mắc bệnh hen suyễn; hay khi không có cơn hen thì đã “khỏi bệnh”, nếu lại thấy khó thở là “bệnh mới tái phát lại”.
Nhận thức này dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong điều trị và kiểm soát hen.
Cơn hen không phải bệnh hen mà là một biến cố cấp tính trên nền bệnh lý mạn tính. Trong bệnh lý mạn tính này, đường thở bị viêm mạn tính, tình trạng viêm này luôn tồn tại là là yếu tố trung tâm khiến bệnh lý hen suyễn kéo dài, tái phát thường xuyên. Khi cơ thể phản ứng lại với các yếu tố dị nguyên thì tình trạng viêm này nặng, phế quản bị co thắt, tiết dịch, xuất tiết gây hẹp lòng phế quản, cản trở luồng khí ra, vào phổi làm cho bệnh nhân khó thở.
Điều trị hen không chỉ là cắt cơn hen cấp tính mà cần kiểm soát tình trạng viêm vốn có của đường thở để hạn chế cơn hen tái phát. Tuy nhiên, chưa bàn đến việc điều trị dự phòng, điều đầu tiên người bệnh cần nhớ chính là cách làm giảm cơn hen suyễn tại nhà, dùng thuốc đúng cách để kiểm soát những nguy cơ hay hậu quả cơn hen suyễn cấp tính có thể gây ra.
Các dấu hiệu cảnh báo cơn hen suyễn cấp tính
Cơn hen suyễn đặc trưng bởi các dấu hiệu như ho, khò khè, khó thở (hơi thở ngắn), đau hoặc nặng ngực. Tùy từng bệnh nhân và tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà các triệu chứng của cơn hen cấp tính có thể khác biệt nhau ở từng người theo từng thời điểm. Hen suyễn ở trẻ em thường không có các triệu chứng điển hình như người lớn, trẻ có thể chỉ có triệu chứng ho (ho nhiều về đêm), khò khè.
Thông thường, các cơn suyễn cấp tính xuất hiện đột ngột, xảy ra khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích như: gắng sức quá mức, tiếp xúc với các chất gây dị ứng (như thuốc, thức ăn, …), thay đổi thời tiết, hay nhiễm virus hô hấp.
Những dấu hiệu báo trước một cơn hen suyễn người bệnh có thể nhận biết được bao gồm: ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, nước mũi… Sau đó, cơn hen suyễn xuất hiện với các triệu chứng: khò khè nặng cả khi người bệnh hít vào lẫn thở ra, ho thành cơn liên tục, thở rất nhanh.
Nếu nhận biết và điều trị kịp thời các triệu chứng sẽ cải thiện sau vài phút đến vài giờ. Nếu chậm trễ, các triệu chứng nặng hơn như: đau ngực, nặng ngực, nói khó, cảm giác lo âu, bất an, mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, tím môi có thể xuất hiện. Tình trạng khó thở kéo dài, người bệnh sẽ bị giảm oxy máu, dẫn đến thiếu máu não và bị ngất, mất ý thức… và có thể tử vong.
Cách làm giảm cơn hen suyễn tại nhà hiệu quả (Ảnh minh họa)
Cách làm giảm cơn hen suyễn tại nhà
Cơ chế bệnh sinh của hen phế quản có sự tác động của yếu tổ chủ thể của người bệnh và các yếu tố kích phát. Các yếu tố chủ thể của người bệnh bao gồm yếu tố di truyền, cơ địa dị ứng, với những gen liên quan đến việc hình thành IgE, các chất trung gian hóa học, sự gia tăng đáp ứng đường thở và yếu tố quyết định tỷ lệ giữa đáp ứng miễn dịch Th1 và Th2.
Béo phì, suy dinh dưỡng, đẻ non cũng là yếu tố nguy cơ mắc hen. Giới tính: các bé nam có nguy cơ mắc hen nhiều hơn bé nữa, nhưng ở người lớn thì nữ giới lại mắc hen nhiều hơn nam giới.
Những yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến bệnh lý hen và có thể là nguyên nhân gây khởi phát cơn hen suyễn cấp tính bao gồm:
- Dị nguyên trong nhà: mạt bụi nhà, lông thú, gián, nấm mốc, thuốc men, hóa chất....
- Dị nguyên ngoài nhà: Bụi đường phố, phấn hoa, nấm mốc, các hóa chất, chất lên men, yếu tố nhiễm trùng, khói hương các loại.
- Nhiễm trùng: chủ yếu là nhiễm virus.
- Các yếu tố nghề nghiệp: than, bụi bông, hóa chất....
- Thuốc lá: Hút thuốc chủ động và bị động.
- Ô nhiễm môi trường không khí: khí thải của phương tiện giao thông, các lại khí ô nhiễm....
Để hạn chế tối đa việc xuất hiện những cơn hen suyễn cấp tính khiến bệnh nhân phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong, bệnh nhân tuyệt đối phải hạn chế tiếp xúc với những yếu tố môi trường có thể làm đường thở kích ứng. Đồng thời, bên cạnh mình luôn luôn có thuốc cắt cơn hen suyễn dù đang ở bất cứ nơi nào.
Nếu chẳng may các dấu hiệu của cơn hen suyễn cấp tính xuất hiện, việc cần làm đầu tiên là tránh xa (nếu được) những yếu tố làm co thắt đường thở như phấn hoa, lông thú vật, khói thuốc lá, mùi hoá chất, … và tìm một thoáng đãng để nghỉ ngơi. Sau đó sử dụng thuốc để cắt cơn khó thở cấp.
Loại thuốc bệnh nhân thường được bác sĩ kê cho dùng để cắt cơn khó thở là những thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh dạng xịt (salbutamol).
Nếu cơn hen suyễn nhẹ, người bệnh cần:
- Xịt hít 2 nhát/lần
- 20 phút sau, nếu vẫn không giảm thì tiếp tục xịt hít thêm 2 nhát.
- 20 phút nữa, nếu vẫn không giảm thì tiếp tục xịt hít thêm 2 nhát nữa và đưa bệnh nhân vào bệnh viện.
Nếu người bệnh gặp cơn hen suyễn nặng (lúc ngồi nghỉ cũng khó thở, nói không hết được nguyên câu, thở dốc): xịt hít thuốc cắt cơn và đưa vào bệnh viện gần nhất nhanh nhất có thể.
Nếu có các dấu hiệu đe dọa tính mạng như tím tái, lú lẫn, vã mồ hôi, không thể nói chuyện được: gọi ngay xe cấp cứu, trong thời gian chờ đợi xe thì phải xịt ngay 2 nhát thuốc cắt cơn.
Lưu ý ở những trẻ nhỏ hoặc những người cao tuổi sử dụng dụng cụ hít khó khăn có thể sử dụng buồng đệm hỗ trợ.
Tóm lại, thân nhân và bệnh nhân bệnh hen suyễn cần phải có chế độ, kế hoạch phòng ngừa và điều trị bệnh hen theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Cách làm giảm cơn suyễn tại nhà hiệu quả nhất là tránh các yếu tố có thể khiến mình lên cơn khó thể có thể nguy kịch đến tính mạng.
Luôn chú ý đến các dấu hiệu có thể xuất hiện cơn khó thở cấp tính và phải luôn mang bên mình thuốc cắt cơn khó thở, ghi nhớ cách sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài người bệnh, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người cao tuổi thì người nhà, người giám hộ cũng cần học các thao tác cần thiết khi sử dụng thuốc cắt cơn để có thể hỗ trợ kịp thời cho người bệnh qua cơn hen cấp.
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn