Hen tim không phải là bệnh hen theo đúng nghĩa của nó. Nó là tình trạng khò khè, khó thở xuất hiện đột ngột trong thể suy tim sung huyết. Nguyên nhân là do ứ trệ tuần hoàn phổi và có hay không hội chứng phù phổi cấp. Sự co thắt phế quản trong bệnh hen tim nguyên nhân là do áp lực dồn trở lại từ tim trái tới phổi (tim trái không đủ khả năng bơm hết lượng máu đưa về từ phổi gây “ứ máu giật lùi” về phổi) làm cho đường thông khí của phổi bị hẹp lại. Còn trong hen phế quản thì co thắt phế quản là do các cơ trơn phế quản co thắt lại gây hẹp đường thở.
Dấu hiệu nhận biết Hen Tim và Cách phân biệt giữa hen tim và hen phế quản
Hen tim cũng khá giống với hen phế quản. Trong đó bệnh nhân mắc bệnh suy tim hoặc các bệnh van tim cũng xuất hiện các triệu chứng khó thở, thở dốc (thở nông), có tiếng khò khè và ho.
Chẩn đoán hen tim chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng. Các dấu hiệu này thường xuất hiện khi gắng sức, làm việc nặng nhọc (như leo cầu thang, đi bộ quãng đường dài…) hoặc có thể xuất hiện về nửa đêm gần sáng. Một số dấu hiệu chính bao gồm: thở dốc (không nhất thiết phải kèm theo có tiếng khò khè); nhịp thở tăng lên và thở nông; tăng cả nhịp tim và huyết áp; tinh thần hoảng loạn. Ngoài những dấu hiệu trên thì trong hen tim còn có các triệu chứng của suy tim để ta phân biệt với hen phế quản. Bệnh nhân thường có tiền sử bệnh tim mạch trước đây. Triệu chứng phù ở mắt cá chân, đi tiểu ít, gan to là những triệu chứng dễ dàng phát hiện nhất. Và khi có các dấu hiệu này thì tiên lượng bệnh nhân rất nặng. Ngoài ra khi thăm khám ta có thể thấy các dấu hiệu tại tim gây nên suy tim như tiếng thổi do hẹp hở van hai lá, thông liên thất…Nghe phổi có tiếng ran rít, ran ngáy và trong cơn phù phổi cấp có thể thấy tiếng ran dâng trào từ đáy phổi lên đỉnh phổi - gọi là dấu hiệu “thủy triều dâng”.
Hen tim thường xuất hiện ở những bệnh nhân nhiều tuổi mắc bệnh suy tim. Đối với người già mắc bệnh suy tim thì khả năng co bóp tống máu của cơ tim lại càng yếu hơn và máu rất dễ bị ứ trệ tại tuần hoàn phổi gây nên hen tim. Do đó mọi người cần chú ý, đặc biệt là những người nhiều tuổi mắc bệnh suy tim khi xuất hiện ho, khò khè, khó thở tăng lên cần đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT HEN PHẾ QUẢN
Các triệu chứng của hen phế quản biểu hiện khác nhau ở mỗi người và trên cùng một người chúng cũng biểu hiện khác nhau tùy theo từng thời điểm.
Sau đây là 4 triệu chứng thường thấy nhất:
- Khò khè: tiếng rít thường nghe được khi thở ra. Tiếng rít này dễ dàng được nhận ra bởi bác sĩ của bạn hay chính bạn cũng có thể nhận ra.
- Ho nhiều: ho có thể kéo dài và thường hay xảy ra. Ho cũng là dấu hiệu nặng của cơn hen ban đêm. Ho rất dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác. Đặc biệt ở Việt Nam, một số bệnh nhân bị ho do hen phế quản dễ bị chuẩn đoán nhầm là viêm phế quản, viêm họng hay thậm chí bị chuẩn đoán là ho lao.
- Nặng ngực: cảm giác giống như lồng ngực bị bóp chặt.
- Khó thở: thở nhanh, ngắn và thấy khó khăn, đặc biệt là khi thở ra.
ĐIỀU TRỊ HEN PHẾ QUẢN & HEN TIM KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?
Chìa khóa để kiểm soát có hiệu quả bệnh hen tim là phải chẩn đoán chính xác. Phải phân biệt được giữa những người bệnh hen tim do suy tim cấp tính với những người khó thở do các rối loạn khác, chẳng hạn như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, embolism phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp (Ards). Nguyên tắc cơ bản điều trị hen tim là cần phải cải thiện khả năng bơm máu của tim để giải phóng lượng máu ứ trệ ở phổi (hay nói cách khác chính là điều trị suy tim) kết hợp với thuốc giãn phế quản. Nếu hen tim nguyên nhân do van tim hoặc một số bệnh tim bẩm sinh có thông giữa các buồng tim thì phẫu thuật hoặc can thiệp qua da cần được cân nhắc.
Mục tiêu điều trị cần kiểm soát được các cơn ho vào ban đêm, kiểm soát tình trạng phù thũng, kiểm soát được lượng dịch vào cơ thể và số lượng máu còn dư trong tâm thất trái. Điều trị suy tim cấp với thuốc lợi tiểu nhằm giải phóng lượng dịch ứ trệ tại tuần hoàn phổi và thuốc giúp tăng tác dụng co bóp của cơ tim. Khi tình trạng suy tim được cải thiện thì khó thở sẽ hết. Một số bệnh nhân xuất hiện đồng thời cả hen phế quản và suy tim thì chúng ta cần chữa trị đồng thời cả hai bệnh cùng một lúc.
Còn với điều trị hen phế quản, chìa khóa để kiểm soát được hen phế quản là phải phòng chống tái phát bằng điều trị dự phòng bên cạnh điều trị cắt cơn hen cấp tính. Thực tế cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân chỉ điều trị cơn hen cấp tính, không điều trị dự phòng chiếm tới 62% trên tổng số bệnh nhân hen, đặc biệt, ở trẻ em, tỷ lệ này lên tới 81%.
Tham khảo thêm bài viết dưới đây để rõ hơn:
Những điều cần biết về bệnh hen phế quản (hen suyễn)
Bác sỹ tư vấn: Chữa dứt điểm hen phế quản?
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn