Những thay đổi về môi trường, sinh hoạt khi nhập học có thể khiến các bệnh nhi tăng nguy cơ lên cơn suyễn cấp. Bố mẹ sẽ cần chuẩn bị những gì khi trẻ đi học. Cùng tham khảo thông tin chính xác trong bài viết này của chúng tôi.
"Tựu trường" là hai tiếng ám ảnh đối với chị N.T.V (ngụ quận 4, TP HCM). Năm ngoái, con trai chị đã phải nhập viện cấp cứu vì lên cơn suyễn chỉ vài ngày sau khi vào học lớp 1. "Trong nhóm bà mẹ có con bị suyễn mà tôi tham gia, ai cũng nhìn nhận cứ đến đầu năm học là mấy đứa nhỏ mắc bệnh dễ "lên cơn" nhất" - chị lo lắng.
10%-30% trẻ đi học có dấu hiệu suyễn
Các bác sĩ (BS) nhi khoa cũng đồng ý với ý kiến trên của những bà mẹ. Đó cũng là lý do vào sáng 26-8, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Chuẩn bị cho trẻ suyễn đến trường".
BS Lê Thị Ngọc Bích, Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, cảnh báo: Việc "bỏ rơi" suyễn có thể khiến 1/3 trẻ mắc căn bệnh này có nguy cơ gặp vấn đề cấp cứu ngay tại trường học. Theo BS Bích, suyễn chiếm một tỉ lệ cao ở trẻ em. Theo các thống kê, khoảng 10%-30% trẻ đi học có biểu hiện của suyễn và tỉ lệ này không ngừng gia tăng trong những thập niên qua.
Mùa tựu trường cũng là mùa có thêm nhiều bệnh nhi gặp phải cơn suyễn cấp. Có nhiều lý do, như sự thay đổi về môi trường: điều kiện chăm sóc trẻ, nhiệt độ, độ ẩm không khí, các loại thực phẩm khác biệt, nguy cơ tiếp xúc thêm nhiều kháng nguyên dị ứng (khói bụi trên đường và trong trường, nấm mốc, gián, mạt, phấn hoa...).
Một số trẻ gặp tình huống gắng sức - một trong những nguyên nhân phổ biến của cơn suyễn. Đó có thể là một môn học không phù hợp, không có sự chuẩn bị khi tập thể dục hoặc trẻ vui đùa quá mức trong giờ ra chơi. Các hoạt động ngoại khóa cũng có thể mang đến những dị nguyên, sự thay đổi thời tiết bất lợi. Ngoài ra, vấn đề tâm lý cũng có thể gây ra cơn suyễn, như áp lực học hành hay việc trẻ bị kỳ thị.
Mùa tựu trường cũng là mùa có thêm nhiều bệnh nhi
gặp phải cơn suyễn cấp.
BS Bích cho rằng điều quan trọng nhất là cha mẹ phải nắm rõ bệnh của con và có sự trao đổi với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, phòng y tế trường về tình trạng bệnh của trẻ, thuốc cần dùng, cách sử dụng, các loại thức ăn trẻ dị ứng, thảo luận về các sự kiện trẻ chuẩn bị tham gia. Trẻ cần được nhắc nhở sử dụng thuốc dự phòng hằng ngày, được chuẩn bị thuốc cắt cơn đem theo đi học cũng như các kỹ năng tự xử lý cần thiết.
Về phía giáo viên, nên nắm danh sách học sinh bị suyễn và xếp cho trẻ ngồi ở những vị trí thuận lợi, tránh nơi bụi bặm, tránh gió mạnh, quá nóng hay quá lạnh. Giáo viên cần nắm rõ những dạng sinh hoạt, các môn thể thao đặc thù mà trẻ không nên tham gia; đồng thời trao đổi với phụ huynh về các bước dùng thuốc, xử lý cần thiết khi trẻ lên cơn suyễn.
Bệnh không lây, đừng để trẻ mặc cảm
Theo TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, nhiều người bị suyễn mang mặc cảm và bị kỳ thị từ nhỏ cho đến lớn. Đâu đó vẫn còn quan niệm rằng suyễn có thể lây.
Thực tế, bệnh suyễn không hề lây và sự mặc cảm này có khi ảnh hưởng đến trẻ còn lớn hơn cả những phiền toái về mặt thể chất. Ngược lại, tâm lý không thoải mái cũng có thể là nguyên nhân của cơn suyễn.
Trẻ bị suyễn cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Phụ huynh nên nghi ngờ khi trẻ bị ho đi ho lại nhiều lần, hay khò khè, có cơn khó thở, nặng ngực tái phát... Cách chăm sóc trẻ suyễn gồm: biết các dấu hiệu lên cơn suyễn, biết cách sử dụng thuốc cắt cơn và biết dấu hiệu nặng cần đi cấp cứu. Bệnh có thể kiểm soát tốt nếu tuân thủ điều trị nghiêm ngặt.
Một trong những điểm mà các chuyên gia lưu ý nữa là những quan niệm cũ về chăm sóc trẻ suyễn. Nhiều trường hợp cha mẹ sợ hãi nên không dám cho con tham gia học thể dục, chơi thể thao hoặc các hoạt động ngoại khóa. Điều này không những không cải thiện bệnh trạng mà còn khiến trẻ có cảm giác lạc lõng, buồn vì không được như bạn bè.
Trẻ suyễn hoàn toàn có thể chơi thể thao và tham gia giờ học thể dục, các hoạt động ngoại khóa, miễn là có sự chuẩn bị. Sự chuẩn bị này đơn giản là cho trẻ khởi động trước khi chơi thể thao, dùng thuốc xịt dự phòng trước khi vận động gắng sức và đừng bắt trẻ cố gắng quá mức trong điều kiện thời tiết bất lợi (quá nóng, quá lạnh, nhiều phấn hoa...), tránh một số môn quá nặng như đá bóng, leo núi... Nếu kiểm soát tốt, trẻ suyễn hoàn toàn có thể sống, sinh hoạt, học hành như trẻ bình thường.
Chú ý dấu hiệu cần cấp cứu
TS-BS Trần Anh Tuấn lưu ý một số dấu hiệu mà phụ huynh và giáo viên cần đưa trẻ suyễn đi cấp cứu ngay: Thuốc không có tác dụng hoặc chỉ có tác dụng ngắn, trẻ vẫn khó thở; nói năng khó nhọc; ngồi thở dốc, co kéo vùng xung quanh xương sườn và cổ; cánh mũi phập phồng; người tím tái. Không chỉ ở trẻ bệnh nặng mà ngay trẻ bệnh nhẹ cũng rất có thể gặp các biểu hiện này.
Theo các thống kê, trong số các trẻ tử vong vì suyễn, chưa đến 40% là trẻ bị nặng, còn lại là các bé chỉ bệnh ở mức trung bình, thậm chí là nhẹ. Đã có những trẻ gặp tình huống xấu nhất chỉ trong lần lên cơn suyễn cấp đầu tiên. Ước tính mỗi năm, toàn thế giới có đến 25.000 trẻ tử vong vì suyễn.
Theo - Người lao động
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn