Đặt vấn đề
Bệnh phổi mạn tính ngày càng tăng lên trên phạm vi toàn cầu và cả ở nước ta, trong đó hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là 2 bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất.
Nghiên cứu gần đây cho thấy đã có nhiều biện pháp điều trị rất có hiệu quả cho hen và COPD, tuy nhiên các biện pháp kỹ thuật này vẫn còn chưa mang lại kết quả mong đợi cho người bệnh vì những trở ngại cả về phía thầy thuốc và người bệnh. Nói một cách khác, người bệnh và cộng đồng còn chưa có thể tiếp cận được với các biện pháp chẩn đoán và điều trị chuẩn. Thông thường, người bệnh vào bệnh viện vì có những đợt cấp tính, sau điều trị đợt cấp đa số chưa được tư vấn quản lý điều trị dự phòng và các biện pháp phục hồi chức năng cần thiết. Như vậy, vấn đề cần giải quyết ở đây là tính sẵn có và khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ chăm sóc quản lý hen và COPD.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác đã đưa ra nhiều hướng dẫn dựa trên các bằng chứng hướng đến quản lý tốt nhất các bệnh phổi mạn tính ở các nước, nhất là các nước đang phát triển hay còn gọi là các khu vực có nguồn lực hạn chế (4, 5, 8).
Để giải quyết “khoảng trống” ngăn cách giữa các biện pháp chẩn đoán và điều trị sẵn có với khả năng tiếp cận của người bệnh và cộng đồng cần có giải pháp về tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, đó là mô hình quản lý và điều trị các bệnh phổi mạn tính ở các tuyến.
Bằng cách tổng hợp số liệu nghiên cứu và triển khai thực tiễn, bài viết này nhằm nêu rõ tính cần thiết và một số giải pháp cho việc quản lý điều trị hen và COPD ở Việt Nam.
I. Gánh nặng bệnh Hen và COPD trên toàn cầu
Hen và COPD là 2 bệnh phổi mạn tính phổ biến nhất, đều thuộc vào nhóm bệnh phổi tắc nghẽn nhưng khác nhau về bản chất tắc nghẽn: Hen – tắc nghẽn có thể hồi phục hoàn toàn, trái lại COPD – tắc nghẽn không thể hồi phục hoàn toàn.
Trong cuộc họp Đại hội đồng Sức khỏe Thế giới lần thứ 61 năm 2008, Bà Magaret Chan , Tổng Giám đốc WHO đã cảnh báo “hen đang tăng lên ở khắp mọi nơi”.
Hen là bệnh dị ứng do rất nhiều nguyên nhân gây nên, bệnh phát sinh ở mọi lứa tuổi, diễn biến lâu dài, có nhiều biến chứng ảnh hưởng đến đời sống và khả năng lao động của người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng.
Những tiến bộ của y học đã giúp chúng ta càng ngày càng hiểu sâu sắc hơn về bệnh nguyên, bệnh sinh, chẩn đoán và điều trị hen. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc hen trong cộng đồng không giảm đi mà lại có xu hướng ngày càng tăng lên, tỷ lệ tàn phế, tử vong và những tổn hại kinh tế, xã hội do bệnh gây ra ngày càng cao. Theo báo cáo của WHO, hiện thế giới có khoảng 300 triệu người mắc hen và khoảng 250 000 tử vong do hen (4). Tỷ lệ này khác nhau ở mỗi khu vực, quốc gia từ 1 - 18% dân số, ước tính số hiện mắc sẽ tăng lên 400 triệu vào năm 2025. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hen gia tăng ở nhiều nước, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á trong đó có nước ta, có thể do hậu quả của:
- Nạn ô nhiễm môi trường: chất thải công nghiệp, bụi, nhiễm trùng (virus), nấm mốc, lông thú, biểu bì súc vật thải ra môi trường bên ngoài ngày một nhiều.
- Sử dụng thuốc và hóa chất tùy tiện.
- Nhịp sống căng thẳng nhiều stress.
- Khí hậu khắc nghiệt, nóng và ẩm của những nước bên bờ đại dương.
Chi phí trực tiếp và gián tiếp cho việc điều trị hen lên đến hàng chục tỷ đô la mỗi năm. Thực tế cho thấy chi phi khám chữa bệnh hen phụ thuộc vào mức độ kiểm soát của từng bệnh nhân, liên quan đến các cơn cấp. Điều trị cấp cứu đắt hơn nhiều lần so với điều trị dự phòng, trong đó chi phí gián tiếp chiếm một tỷ lệ quan trọng. Mặc dù vậy, các nghiên cứu cho thấy đa số người hen có thể sống bình thường hoặc gần bình thường và các chi phí trên có thể giảm một nửa nếu người bệnh được phát hiện, điều trị, quản lý và dự phòng đúng hướng. Có thể ngăn ngừa được 70 – 80 % các trường hợp tử vong do hen (4).
Khác với hen, COPD là bệnh phổi đặc trưng bởi tắc nghẽn đường thở mạn tính không thể hồi phục hoàn toàn, gặp chủ yếu từ 40 tuổi trở lên. Năm 2008, dựa trên số liệu của 193 nước thành viên, WHO đã dự báo COPD sẽ xếp hàng thứ 3 trong các bệnh gây tử vong hàng đầu vào năm 2030, sau bệnh mạch vành và đột quỵ. COPD tăng lên có liên quan đến việc tăng tiêu thụ thuốc lá, các ô nhiễm trong nhà bởi khói đốt và đun bếp. Hơn nữa, COPD tăng lên còn do ô nhiễm công nghiệp, đô thị hóa và đặc biệt sự già đi của dân số toàn thế giới vì tuổi thọ trung bình ngày càng tăng mà tỷ lệ mắc COPD tăng lên theo tuổi.
Tỷ lệ hiện mắc COPD trên toàn cầu được ước tính là 9 – 10% trong lứa tuổi từ 40 trở lên. Tuy nhiên rất khác nhau ở các khu vực và các quốc gia tùy thuộc vào phương pháp nghiên cứu (10).
Nghiên cứu BOLD (Burden of Obstructive Lung Disease study) công bố (2) kết quả về tỷ lệ mắc của 12 điểm ở 12 quốc gia cho thấy tỷ lệ mắc COPD cao nhất tại thành phố Cape Town, Nam Phi 22,2% nam giới và 16,7% nữ giới. Các điểm châu Á: Quảng Châu, Trung Quốc tỷ lệ mắc COPD ở nam là 9,3% và nữ là 5,1 %. Ở Manila, Phillippines tới 18,8% ở nam và 6,8% ở nữ giới (2). Tỷ lệ mắc COPD ở nam giới cao có thể một phần do sự cộng hưởng yếu tố nguy cơ là hút thuốc lá ở nam giới cao hơn.
Đánh giá khoa học về gánh nặng kinh tế xã hội của COPD còn chưa nhiều, chủ yếu ở một số nước phát triển. Ở Mỹ, chi phí y tế cho COPD ước tính là 23,9 tỷ đô la, trong đó 14,7 tỷ là chi phí trực tiếp cho điều trị và 9,2 tỷ là chi phí gián tiếp. Các chi phí này rất phụ thuộc vào quản lý điều trị dự phòng tránh các đợt cấp phải nằm viện. Chi phí nằm viện sẽ chiếm trên 70% chi phí tổng thể cho điều trị COPD. Đối với các nước đang phát triển, xét trên góc độ kinh tế, COPD rất có thể là những gánh nặng rất đáng kể đối với các gia đình và xã hội (10).
CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY TỬ VONG HÀNG ĐẦU, SO SÁNH NĂM 2004 VÀ 2030
Gánh nặng hen và COPD ở Việt Nam
Hiện nay chưa có số liệu ước tính về gánh nặng bệnh hen trên phạm vi toàn quốc. Gần đây chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu dịch tễ và tình hình kiểm soát hen của dân cư Thủ đô Hà Nội (3) cho thấy tỷ lệ đã từng bị khò khè hoặc thở rít 15,3 %, nam 14,7%, nữ 15,8%; tỷ lệ khò khè hoặc thở rít trong 12 tháng qua là 9,3%, nam 9,0% nữ 10%; tỷ lệ khò khè thấp nhất ở nhóm tuổi 11-30 tuổi sau đó tăng dần và cao nhất ở nhóm tuổi trên 60. Tỷ lệ đã được chẩn đoán hen 6%, nam 5,5% và nữ 6,6%, không có sự khác có ý nghĩa theo nhóm tuổi. Tỷ lệ đang có hen trong thời gian nghiên cứu qua khám lâm sàng và đo thông khí phổi là 2,7%, nam 2,6%, nữ 2,9%. Với ước tính như vậy cho cả nước sẽ có khoảng 5 triệu người mắc hen, trong đó khoảng 2,3 triệu người đang cần điều trị để đạt được kiểm soát hen.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã khảo sát chi phí y tế trong điều trị hen tại cộng đồng, nhìn chung người dân chi cho điều trị hen là thấp: hàng năm chi phí cho điều trị hen dưới 300 000 đồng (năm 2007) chiếm 78% các bệnh nhân được hỏi, cũng song hành với mức thu nhập của người dân tương đối thấp (72% số hộ gia đình có thu nhập trung bình / đầu người từ 200 000 đến 500 000 đồng/tháng). Ngược lại số liệu về chi phí gián tiếp lại khá cao với con số là 100% số bệnh nhân nằm viện cần có ít nhất một người nhà chăm sóc và thời gian phải nghỉ việc vì hen từ 10 đến 30 ngày một năm chiếm 43 % số người bệnh hen, và trên 30 ngày 1 năm chiếm 25% số người bệnh hen. Như vậy ta có thể ước tính những chi phí gián tiếp cho hen là một gánh nặng không nhỏ với gia đình và xã hội.
Đối với COPD, chúng ta đã có số liệu đầy đủ hơn về gánh nặng dịch tễ mang tính đại diện toàn quốc thông qua đề tài cấp nhà nước (2) về dịch tễ và các biện pháp chẩn đoán điều trị COPD ở Việt Nam được tiến hành năm 2007-2009. Nghiên cứu được thiết kế và thực hiện theo tiêu tiêu chuẩn quốc tế, kết quả cho thấy : Tỷ lệ COPD trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2%, nam: 7,1%, nữ: 1,9%; Khu vực nông thôn: 4,7%, thành thị 3,3%, miền núi 3,6 %; Miền Bắc: 5,7%, miền Trung: 4,6%, miền Nam: 1,9%. Dựa trên số liệu này đã ước tính ở nước ta có khoảng 1,3 triệu người mắc COPD cần chẩn đoán và điều trị.
Yếu tố nguy cơ COPD ở Việt Nam hàng đầu là hút thuốc lá, thuốc lào. Bên cạnh đó, yếu tố nhiên liệu dùng đun bếp cũng có mối liên quan tới tỷ lệ mắc COPD: Đun bằng rơm, củi làm tăng tỷ lệ mắc COPD có ý nghĩa so với đun bằng ga. Ngoài ra, yếu tố tuổi trên 40 và nam giới có liên quan chặt chẽ với nguy cơ cao mắc COPD. Các yếu tố khác như nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường khác không thấy có mối liên quan có ý nghĩa đến tỷ lệ mắc COPD.
Chi phí nằm viện đối với đợt cấp COPD rất cao với thời gian nằm viện trung bình là 10 ngày và chi phí trung bình là 5,5 triệu đồng.
Về gánh nặng kinh tế cho điều trị COPD trong cộng đồng cũng đã được đề cập trong nghiên cứu này, tổng chi phí y tế cho điều trị COPD một năm trung bình khoảng 1 triệu đồng, cao hơn ở thành thị, thấp hơn ở miền núi và nông thôn. Phân tích chi tiết hơn về chi phí nằm viện và điều trị tại nhà cho thấy ở khu vực các tỉnh miền Trung có chi phí nằm viện cao hơn chi phí điều trị tại nhà , trong khi ở khu vực các tỉnh miền Nam chi phí nằm viện lại thấp hơn chi phí điều trị tại nhà ..
Nói chung, kể cả hen và COPD, điều trị ngoại trú tại nhà là định hướng phù hợp, tránh các đợt cấp phải nằm viện là mô hình quản lý hiệu quả nhất cần được áp dụng rộng rãi.
II. Các thành tựu trong quản lý Hen và COPD
Về mặt y học, đã có hàng loạt các công trình nghiên cứu lớn trên thế giới chứng minh hiệu quả của việc quản lý điều trị hen và COPD.
Đối với hen, nghiên cứu GOAL (Gaining Optimal Asthma controL) đã chứng minh rằng hen có thể kiểm soát hoàn toàn và đưa ra khái niệm “kiểm soát hen triệt để” (8). Điều trị hen chủ yếu là điều trị dự phòng ngoài cơn hen, đồng thời, nhận biết, xử trí và điều trị cắt cơn hen cấp trong mọi tình huống có vai trò cứu sống người bệnh. Phác đồ GINA đề xuất đã được cụ thể hóa trong “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen” (1) do Bộ Y tế ban hành năm 2010. Các phác đồ tối ưu, phác đồ thay thế tùy theo từng điều kiện cụ thể, điều trị ban đầu, tăng giảm bước điều trị và khi nào ngừng điều trị cũng đã được hướng dẫn. Tuy nhiên thực tiễn kiểm soát hen trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng cũng vẫn ở một mức rất khiêm tốn. Nói chung mới chỉ có khoảng 5% số bệnh nhân hen được kiểm soát tốt. Ngay ở Hà Nội, nghiên cứu của chúng tôi với các biện pháp can thiệp cũng mới chỉ đạt được 40%.
Đối với COPD, một loạt các nghiên cứu với số lượng lớn các bệnh nhân tham gia và được thiết kế khoa học với thời gian theo dõi đánh giá dài như EUROSCOP (European Respiratory Society study on chronic obstructive pulmonary disease, 3 năm), ISOLDE (Inhaled Steroids in Obstructive Lung Disease, 3 năm), LHS II (Lung Health Study II, 3.3 năm), BRONCUS (Bronchitis Randomized on NAC Cost-Utility Study, 3 năm) TORCH (TOwards a Revolution in COPD Health, 3 năm), UPLIFT (Understanding Potential Long-term Impacts on Function with Tiotropium,4 năm) đã cho những bằng chứng khoa học định hướng cho phác đồ điều trị hiệu quả. Điều trị COPD bao gồm điều trị đợt cấp và điều trị giai đoan ổn định (5). Đợt cấp là nỗi “kinh hoàng” của bệnh nhân COPD cả về thể xác và tinh thần. Hơn nữa, giá thành điều trị cao và là yếu tố làm tăng tốc độ suy giảm chức năng hô hấp, giảm thời gian sống thêm cũng như giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, đợt cấp COPD cần được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả với 4 thành phần cơ bản đó là: thuốc giãn phế quản, corticoid đường toàn thân, kháng sinh và ô xy, có thể kết hợp thông khí hỗ trợ không xâm nhập hoặc xâm nhập tùy theo chỉ định.
Cũng như hen, điều trị COPD giai đoạn ổn định có vai trò hết sức quan trọng, nhằm các mục tiêu sau: Giảm triệu chứng, cải thiện khả năng vận động, phòng và điều trị đợt cấp, phòng và điều trị biến chứng, làm chậm quá trình tiến triển bệnh, cải thiện được tình trạng sức khỏe, chất lượng sống và giảm tỷ lệ tử vong. Điều trị COPD giai đoạn ổn định bao gồm: Cai nghiện thuốc lá, vắc xin phòng cúm và phế cầu, thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, ICS/LABA dạng hít khi có ≥ 1 đợt cấp/năṃ, áp dụng sớm chương trình điều trị phục hồi chức năng hô hấp và điều trị sớm các đợt cấp. Về điều trị thuốc cho giai đoạn nặng và rất nặng thì ICS/LABA và Tiotropium được xem là bộ 3 điều trị tối ưu cho COPD ổn định. Với phác đồ điều trị thích hợp kể cả bằng thuốc và không dùng thuốc (chương trình điều trị phục hồi chức năng hô hấp) có thể mang lại kết quả lâm sàng tốt, thể hiện trên các chỉ số đánh giá khách quan như tăng khoảng cách đi bộ 6 phút, tăng chất lượng cuộc sống qua việc giảm số điểm SGRQ, tăng bão hòa ô xy máu, giảm áp lực riêng phần CO2 máu động mạch, ...
Tuy nhiên, mới chỉ có một số ít các bệnh nhân được quản lý thích hợp và hiệu quả, hầu hết sau đợt cấp họ được ra viện và chờ đợi một đợt cấp khác vào viện. Vậy nguyên nhân nào đưa đến khoảng trống khác biệt giữa khả năng của y học điều trị bệnh tốt với thực tế hiệu quả mang lại cho người bệnh còn nhiều hạn chế ?
III. Một số vấn đề ở Việt Nam
Hê thống y tế: Chúng ta có một hệ thống y tế khá tốt so với các nước cùng mức phát triển kinh tế, thể hiện ở tuổi thọ trung bình và chỉ số HDI của người dân Việt Nam khá cao. Bên cạnh tuyến tỉnh, khu vực và trung ương thì tuyến y tế cơ sở bao gồm tuyến huyện và tuyến xã gắn liền với chăm sóc sức khỏe ban đầu đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, khu vực này đang chưa phát huy được hiệu quả. Có một tỷ lệ cao người dân đi khám vượt tuyến dẫn đến tình trạng quá tải của tuyến tỉnh và trung ương. Điều này càng trở lên nghịch lý đối với việc quản lý điều trị các bệnh mạn tính, đặc biệt là hen và COPD, bởi vì các bệnh này cần được quản lý ở nơi gần bệnh nhân nhất. Nguyên nhân có thể được hiểu từ góc độ chủ quan và khách quan của hệ thống y tế. Về chủ quan, y tế cơ sở chưa đủ hấp dẫn với người dân do thiếu các thầy thuốc có kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị, cơ sở hạ tầng thiếu thốn lạc hậu.
Hiểu biết về hen và COPD của người dân còn rất hạn chế. Nghiên cứu của chúng tôi(2) cho thấy chỉ có 4,3% người dân đã từng nghe về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD, 78% người dân thủ đô được hỏi không biết hen có thể kiểm soát được, 55 % số thầy thuốc cơ sở được hỏi không biết hen được quản lý theo dõi như thế nào. Do vậy, đây là một trở ngại rất lớn cho việc quản lý hen và COPD có hiệu quả ở nước ta.
Bảo hiểm y tế (BHYT) cũng chứa đựng những vấn đề cần tháo gỡ. Xu hướng chung của BHYT là sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ điều trị trong bệnh viện, cho dù là rất đắt tiền nhưng lại từ chối chi trả cho các dịch vụ điều trị dự phòng. Chúng ta còn ít các nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế của điều trị dự phòng thay vì chỉ đánh giá kinh tế của điều trị đợt cấp mà thôi. Do vậy còn thiếu các bằng chứng để vận động cơ quan bảo hiểm thay đổi chính sách này.
Mặt khác, với thực trạng chất lượng chuyên môn của tuyến y tế cơ sở có thể chưa đạt chuẩn cũng là một tiêu chí để BHYT không chi trả cho các dịch vụ điều trị dự phòng quản lý hen và COPD tại tuyến cơ sở.
IV. Giải pháp cho kiểm soát Hen và COPD ở Việt Nam
Với ước tính có khoảng 5 triệu người mắc hen và 1,3 triệu người mắc COPD là con số không nhỏ, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước (2). Với những thành tựu của y học chúng ta có thể điều trị kiểm soát được hen và COPD. Tuy nhiên để người bệnh có thể tiếp cận với các biện pháp đó rất cần có những giải pháp hữu hiệu của hệ thống y tế Việt Nam.
Các nghiên cứu của WHO cho thấy đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, giải pháp quản lý các bệnh mạn tính như hen và COPD cần xây dựng trên nguyên tắc “lấy người bệnh làm trung tâm” nghĩa là tiếp cận từ triệu chứng ban đầu, chẩn đoán và xử trí sớm ngay từ tuyến cơ sở (8). Điều này mang lại lợi ích là: Chống quá tải cho tuyến tỉnh và trung ương, chi phí y tế thấp cho cả người dân và hệ thống y tế, cải thiện chất lượng quản lý các bệnh mạn tính và nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung. Muốn có được như vậy, chúng ta cần nâng cao năng lực thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp bao gồm hen, COPD, viêm phổi và lao cho các cơ sở y tế tuyến huyện và xã thông qua trang bị kiến thức kỹ năng thực hành cho cán bộ và các trang thiết bị cần thiết. Mặt khác, cần truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân về bệnh và đặc biệt là truyền thông để người dân hiểu và sử dụng dịch vụ có chất lượng tại y tế tại cơ sở mà chúng ta vừa tăng cường năng lực.
Nghiên cứu của chúng tôi trong mô hình thí điểm cho thấy việc quản lý bệnh phổi mạn tính như hen và COPD theo các tuyến y tế là rất có hiệu quả (2):
Về mặt tổ chức mạng lưới chuyên khoa, chúng ta có mạng lưới từ trung ương tới xã phường.
Hiện nay, nước ta có một Mạng lưới phòng chống Lao và Bệnh phổi, đầu ngành là Bệnh viện Phổi Trung ương, hầu hết các tỉnh thành đều có Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, tất cả các quận huyện đều có đơn vị chống lao tuyến huyện và các trạm y tế xã đều có cán bộ phụ trách về phòng chống lao. Bệnh viện 71 trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là các bệnh viện chuyên khoa được giao nhiệm vụ của tuyến trung ương. Bên cạnh đó, hệ thống bệnh viện đa khoa từ trung ương, tỉnh đến huyện sẽ cùng tạo lên một mạng lưới rộng khắp nếu được sử dụng tốt sẽ mang lại một hiệu quả tích cực cho việc quản lý các bệnh phổi mạn tính trong đó chủ yếu là Hen và COPD.
Tại tuyến tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi các tỉnh và khoa nội các bệnh viện đa khoa có nhiệm vụ khẳng định chẩn đoán và điều trị các trường hợp khó, vượt quá khả năng của tuyến huyện, đồng thời có nhiệm vụ đào tạo hỗ trợ cho tuyến cơ sở thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp theo đúng chuẩn lâm sàng.
Tại tuyến huyện và xã, phòng khám bệnh phổi mạn tính sẽ là nơi khám ban đầu và quản lý điều trị lâu dài cho người bệnh hen và COPD. Yêu cầu về chất lượng chẩn đoán hen cần được khẳng định tại tuyến huyện, chẩn đoán COPD cần được khẳng định tại tuyến tỉnh (nơi có thể đo chức năng hô hấp đạt tiêu chuẩn).
Tại các bệnh viện đa khoa cũng như chuyên khoa, việc kết nối liên tục điều trị nội trú (thường do đợt cấp COPD hoặc cơn hen cấp) với điều trị ngoại trú ở tuyến thích hợp, tạo thành một mạng lưới cung cấp dịch vụ đạt chuẩn cho người bệnh hen và COPD – đó là cơ hội cho người bệnh đồng thời cũng là giải pháp cho ngành y tế thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Về mặt kỹ thuật, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống Lao Quốc gia đã xây dựng hướng dẫn thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp bao gồm 4 chuẩn thực hành lâm sàng Hen, COPD, Viêm phổi và Lao. Tại đây, có Đơn vị quản lý bệnh phổi mạn tính chịu trách nhiệm quản lí, tư vấn cho người bệnh, đào tạo và giám sát hỗ trợ các đơn vị quản lý bệnh phổi mạn tính tuyến tỉnh. Bệnh viện cũng đã xây dựng và triển khai thí điểm “Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp - PAL” từ năm 2009, bước đầu đã thu được kết quả tốt, tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở bao gồm cả y tế tư nhân, tăng phát hiện lao, quản lý tốt hen, COPD, viêm phổi và giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên. Đây là một giải pháp rất hiệu quả cần được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi trung ương cần lập kế hoạch và đề xuất Bộ Y tế đưa chiến lược “Thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp – PAL” thành chiến lược quốc gia để phát huy hiệu quả trong quản lý các bệnh hô hấp nói chung, quản lý hen và COPD nói riêng.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản, NXB Y học 2010
2. Đinh Ngọc Sỹ, Nguyễn Viết Nhung và CS, Dich tễ học bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD ở Việt Nam và các biện pháp dự phòng, điều trị. Đề tài cấp nhà nước mã số KC.10.02/06-10, nghiệm thu 2010
3. Nguyễn Năng An, Nguyễn Viết Nhung và CS, Nghiên cứu độ l¬ưu hành, tình hình kiểm soát và điều trị hen tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội theo GINA 2006. Đề tài cấp Thành phố Hà Nôi, Mã số: 01C-08 / 05-2007-2, nghiệm thu 2008
4. Global strategy for asthma management and prevention, updated 2010
5. Global strategy for diagnosis, management, and prevention of chronic obstructive pulmonary disease, updated 2010
6. WHO/HTM/TB/2004.333 , RESPIRATORY CARE IN PRIMARY CARE SERVICES – A SURVEY IN 9 COUNTRIES, 2004
7. WHO/HTM/TB/2008.410 - WHO/NMH/CHP/CPM/08.02, Practical Approach to Lung Health Manual on initiating PAL implementation, 2008
8. Bateman ED, Boushey HA, Bousquet J, Busse WW, Clark TJ, Pauwels R, et al. Can guideline-defined asthma control be achieved? The Gaining Optimal Asthma ControL Study. Am J Respir Crit Care Med 2004;170:836-44
9. R.J. Halbert, J.L. Natoli, A. Gano, E. Badamgarav, A.S. Buist and D.M. Mannino1. Global burden of COPD: systematic review and meta-analysis. Eur Respir J 2006; 28: 523–532
10. Sean D. Sullivan, et al., The Economic Burden of COPD, Chest 2000; 117:5S–9S
PGS. TS Nguyễn Viết Nhung
Bệnh viện Phổi Trung ương
Tạp chí Lao và Bệnh phổi số 03 - tháng 4/2011
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn