Nội dung này được trích dẫn trong Chiến lược Toàn cầu về Quản lý và Dự phòng Hen của GINA - một mạng lưới các cá nhân, tổ chức, và nhân viên y tế cộng đồng để phổ biến thông tin về chăm sóc bệnh nhân hen, và để cung cấp cơ chế áp dụng chứng cứ khoa học vào cải thiện chăm sóc hen phế quản.
Báo cáo GINA về Chiến lược Toàn cầu về Quản lý và Dự phòng Hen đã được cập nhật từ 2002, và các ấn phẩm dựa trên các báo cáo GINA được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Năm 2001, GINA khởi xướng Ngày Hen Toàn cầu hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về gánh nặng của hen, và trở thành một điểm tập trung các hoạt động tại chỗ và quốc gia để giáo dục gia đình và nhân viên y tế về các phương pháp hiệu quả để xử trí và kiểm soát hen.
Nội dung về kiểm soát hen phế quản, tiêu chí đánh giá kiểm soát hen phế quản dưới đây được cập nhật mới nhất năm 2020, bạn đọc có thể tham khảo để biết thêm thông tin ngoài các hướng dẫn điều trị của bác sĩ theo dõi điều trị.
Đánh giá giá hen phế quản ở từng người bệnh
Đối với từng bệnh nhân, đánh giá hen nên bao gồm đánh giá kiểm soát hen (cả kiểm soát triệu chứng và nguy cơ của kết quả bất lợi trong tương lai), các vấn đề điều trị, đặc biệt là kỹ thuật hít thuốc và tuân thủ, và bất cứ bệnh đồng mắc nào có thể góp phần vào gánh nặng triệu chứng và làm giảm chất lượng cuộc sống. Chức năng hô hấp, đặc biệt là thể tích thở ra gắng sức trong 1 giây đầu (FEV1), theo phần trăm dự đoán, là một phần quan trọng của đánh giá nguy cơ tương lai.
Kiểm soát hen là gì? Đánh giá kiểm soát hen sau bao lâu ?
Mức kiểm soát hen là mức độ mà các biểu hiện hen có thể được quan sát trên bệnh nhân, hoặc làm giảm xuống hoặc biến mất nhờ điều trị. Mức độ kiểm soát được quyết định bởi sự tương tác giữa nền tảng gen của bệnh nhân, các diễn tiến của bệnh gốc, điều trị đang tiến hành, môi trường và các yếu tố tâm lý –xã hội.
Kiểm soát hen có hai lĩnh vực: kiểm soát triệu chứng (trước đây gọi là « kiểm soát lâm sàng hiện tại ») và nguy cơ của kết quả bất lợi trong tương lai. Nói dễ hiểu là đánh giá hiệu quả của điều trị cắt cơn và điều trị dự phòng hen.
Bao giờ cũng nên đánh giá cả hai.
Chức năng hô hấp là phần đánh giá quan trọng trong đánh giá nguy cơ tương lai; cần đo lúc bắt đầu điều trị, sau điều trị 3-6 tháng (để xác định kết quả tốt nhất của bệnh nhân) và định kỳ sau đó để liên tục đánh giá nguy cơ.
Cách mô tả dễ hiểu về kiểm soát hen của người bệnh
Kiểm soát hen nên được mô tả theo cả kiểm soát triệu chứng lẫn nguy cơ tương lai, ví dụ:
Cô X kiểm soát triệu chứng hen tốt, nhưng cô ấy có nguy cơ cao bị đợt kịch phát trong tương lai bởi vì cô ấy đã có các đợt kịch phát nặng trong năm vừa qua.
Ông Y kiểm soát triệu chứng hen kém. Ông ấy cũng có thêm những yếu tố nguy cơ bị đợt kịch phát trong tương lai, bao gồm chức năng hô hấp thấp, hiện hút thuốc lá và tuân thủ dùng thuốc kém.
Bệnh nhân có tự đánh giá mức độ kiểm soát hen được không?
Nhiều nghiên cứu mô tả sự bất tương xứng giữa đánh giá của bệnh nhân và của bác sĩ về mức độ kiểm soát hen của bệnh nhân.
Điều này không nhất thiết có nghĩa là bệnh nhân “đánh giá quá mức‟ mức kiểm soát hen của họ hoặc “đánh giá dưới mức‟ độ nặng nhẹ, mà chủ yếu là do bệnh nhân hiểu và sử dụng từ “kiểm soát‟ khác với bác sĩ.
Bệnh nhân do thường lạm dụng việc điều trị cắt cơn, chưa hiểu hoặc chưa từng điều trị dự phòng nên khi được hỏi về kiểm soát hen thường bệnh nhân sẽ dựa vào việc các triệu chứng mất đi sau khi dùng thuốc nhanh ra sao.
Nếu từ “kiểm soát hen‟ được sử dụng với bệnh nhân, ý nghĩa của nó bao giờ cũng nên được các bác sĩ và chuyên gia y tế giải thích cặn kẽ.
Đánh giá hen ở người lớn, thiếu niên và trẻ em 6-11 tuổi
1. Đánh giá kiểm soát hen = kiểm soát triệu chứng và nguy cơ tương lai của kết quả xấu
+ Đánh giá kiểm soát triệu chứng trong 4 tuần vừa qua
+ Xác định các yếu tố nguy cơ khác đối với đợt kịch phát, giới hạn luồng khí cố định hoặc tác dụng phụ
+ Đo chức năng hô hấp lúc chẩn đoán hoặc lúc bắt đầu điều trị, sau khi điều trị với thuốc kiểm soát 3-6 tháng, và định kỳ sau đó. Ví dụ: ít nhất mỗi 1-2 năm, nhưng thường hơn ở bệnh nhân có nguy cơ và người có hen nặng.
2. Đánh giá các vấn đề điều trị
+ Ghi nhận bậc điều trị hiện nay của bệnh nhân.
+ Xem kỹ thuật hít thuốc, đánh giá sự tuân thủ và phản ứng phụ
+ Kiểm tra xem bệnh nhân có bản kế hoạch hành động hen hay không
+ Hỏi về thái độ và mục đích của bệnh nhân đối với hen và các thuốc hen
3. Đánh giá bệnh đồng mắc
+ Viêm mũi, viêm mũi xoang, trào ngược dạ dày – thực quản, béo phì, ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn, trầm cảm và lo âu có thể góp phần vào triệu chứng, giảm chất lượng cuộc sống và đôi khi làm kiểm soát hen kém
ĐÁNH GIÁ KIỂM SOÁT TRIỆU CHỨNG HEN
Các triệu chứng hen như khò khè, nặng ngực, khó thở và ho thay đổi một cách điển hình về tần số và cường độ, và góp phần vào gánh nặng hen đối với bệnh nhân. Kiểm soát triệu chứng kém cũng liên quan mạnh với tăng nguy cơ đợt kịch phát hen.
Kiểm soát triệu chứng hen nên được đánh giá mỗi lần có cơ hội, bao gồm các lần kê toa hay mua thêm thuốc thường kỳ. Hỏi trực tiếp là quan trọng, bởi vì tần số hoặc cường độ các triệu chứng mà bệnh nhân xem như không thể chấp nhận được hoặc phiền toái, thay đổi tùy theo những khuyến cáo về mục tiêu điều trị hen, và thay đổi từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Ví dụ, dù có chức năng hô hấp thấp, người có lối sống ít vận động không cảm thấy phiền toái và do đó có vẻ như kiểm soát tốt triệu chứng.
Để đánh giá kiểm soát triệu chứng tốt, hãy hỏi về các điều sau đây trong bốn tuần vừa qua: tần số triệu chứng hen (số ngày trong tuần), có đêm nào thức giấc vì hen không hoặc có hạn chế hoạt động không, và tần số dùng thuốc đồng vận beta2 tác dụng ngắn (SABA) để làm giảm triệu chứng. Nói chung, không tính đến thuốc giảm triệu chứng sử dụng trước khi vận động, bởi vì điều này thường là thông lệ.
Quan điểm hiện nay của chúng tôi là tần suất ICS-formoterol không nên bao gồm trong đánh giá kiểm soát triệu chứng, nhất là đối với bệnh nhân không sử dụng ICS duy trì, bởi vì đang cho bệnh nhân liệu pháp thuốc kiểm soát. Đang chờ dữ liệu thêm, và vấn đề này sẽ được tổng quan lần nữa vào năm sau.
Công cụ kiểm soát triệu chứng hen dành cho người lớn và thiếu niên
Công cụ tầm soát đơn giản: có thể được sử dụng tại cơ sở chăm sóc ban đầu để nhận diện nhanh bệnh nhân cần đánh giá chi tiết hơn. Ví dụ như công cụ kiểm soát triệu chứng GINA dựa trên sự đồng thuận. Phân loại này tương quan với đánh giá sử dụng bảng điểm kiểm soát hen theo điểm số. Nó có thể được sử dụng, cùng với đánh giá nguy cơ để hướng dẫn các quyết định điều trị. Các ví dụ khác là Công cụ Tầm soát Kiểm soát Hen Chăm sóc Ban đầu (PACS) và Test Hen 30 giây, cũng bao gồm thời gian không đi làm hoặc không đi học.
Công cụ kiểm soát triệu chứng có phân loại: bao gồm công cụ “Ba Câu hỏi của Hội Thầy thuốc Hoàng gia (RCP)‟ hỏi về khó ngủ, các triệu chứng vào ban ngày và sự hạn chế hoạt động do hen trong những tháng trước. Một thí dụ khác là công cụ APGAR Hen, gồm có một bản đánh giá kiểm soát hen do bệnh nhân điền vào bao gồm 5 lĩnh vực: hạn chế hoạt động, tần số triệu chứng ngày và đêm (dựa trên tiêu chuẩn Hoa Kỳ về tần số thức giấc vào ban đêm), các yếu tố kích phát, sự tuân thủ và đáp ứng với điều trị do bệnh nhân cảm thấy.
Đánh giá này nối liền với một qui trình chăm sóc để xác định các vấn đề và điều chỉnh điều trị lên hoặc xuống. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy rằng việc áp dụng các công cụ APGAR Hen cho bệnh nhân từ 5 đến 45 tuổi tại cơ sở chăm sóc ban đầu cải thiện tỉ lệ kiểm soát hen; làm giảm các chăm sóc cấp cứu do hen và số lần thăm khám tại bệnh viện; làm tăng sự tuân thủ thực hành đối với các hướng dẫn xử trí hen.
Công cụ “kiểm soát hen‟ theo điểm số: Các công cụ này cung cấp điểm số và điểm cắt để phân biệt các mức độ kiểm soát hen khác nhau, giúp cho sự đánh giá của bác sĩ có giá trị hơn. Đã có nhiều bản dịch. Các điểm số này hữu ích để đánh giá tiến bộ của bệnh nhân; chúng thường được sử dụng trong nghiên cứu lâm sàng, nhưng có thể bị giới hạn vì vấn đề bản quyền. Các công cụ kiểm soát theo điểm số hen nhạy cảm hơn với thay đổi trong kiểm soát triệu chứng so với các công cụ có phân loại.
Ví dụ các công cụ kiểm soát hen theo điểm số để đánh giá kiểm soát hen là:
+ Bản Câu hỏi Kiểm soát Hen (ACQ).
Điểm số thay đổi từ 0 đến 6 (cao hơn là xấu hơn). Điểm 0,0 đến 0,75 được phân loại là hen kiểm soát tốt; 0,75 – 1,5 là “vùng xám‟; và >1,5 là hen kiểm soát kém. Điểm ACQ được tính toán trung bình của 5, 6 hoặc 7 mục: tất các các phiên bản của ACQ gồm có năm câu hỏi triệu chứng; ACQ-6 bao gồm sử dụng thuốc giảm triệu chứng; và trong ACQ-7, điểm đối với FEV1 trước test giãn phế quản được tính trung bình với các mục triệu chứng và thuốc giảm triệu chứng. Mức khác biệt tối thiểu có ý nghĩa lâm sàng là 0,5.
+ Test Kiểm soát Hen (ACT).
Điểm thay đổi từ 5 đến 25 (cao hơn là tốt hơn). Điểm từ 20 đến 25 được phân loại là hen kiểm soát tốt; 16-19 hen kiểm soát không tốt; và 5 – 15 hen kiểm soát rất kém. ACT gồm có bốn câu hỏi triệu chứng/thuốc giảm triệu chứng cùng với mức độ kiểm soát do bệnh nhân tự đánh giá.
Mức khác biệt tối thiểu có ý nghĩa lâm sàng là 3 điểm.
Khi các hệ thống khác nhau được sử dụng để đánh giá kiểm soát triệu chứng hen, nhìn chung các kết quả tương quan với nhau, nhưng không đồng nhất. Triệu chứng hô hấp có thể không đặc hiệu, do đó khi đánh giá sự thay đổi trong kiểm soát triệu chứng, điều quan trọng là làm rõ triệu chứng là do hen.
Công cụ kiểm soát triệu chứng hen đối với trẻ 6 – 11 tuổi
Ở trẻ em, cũng như ở người lớn, đánh giá kiểm soát triệu chứng hen dựa vào triệu chứng, hạn chế hoạt động và sử dụng thuốc cấp cứu. Xem xét cẩn thận tác động của hen lên hoạt động hàng ngày của trẻ, bao gồm thể thao, vui chơi, đời sống xã hội, và việc nghỉ học là quan trọng. Nhiều trẻ bị hen kiểm soát kém tránh xa vận động nặng nên bệnh hen của chúng có vẻ kiểm soát tốt. Điều này dẫn đến thể hình kém và nguy cơ béo phì cao hơn.
Ở trẻ em đã có ghi nhận sự thay đổi đáng kể về mức độ giới hạn luồng khí trước khi chúng than phiền khó thở hoặc sử dụng thuốc giảm triệu chứng, và chức năng hô hấp thường giảm đáng kể trước khi cha mẹ nhận ra. Cha mẹ có thể kể lại sự kích thích, mệt mỏi và thay đổi tính khí ở trẻ như là những vấn đề chính khi hen của trẻ không được kiểm soát. Cha mẹ ghi nhớ lâu dài hơn trẻ, vốn chỉ nhớ lại vài ngày vừa qua; do đó, điều quan trọng là bao gồm cả thông tin của cha mẹ và của trẻ khi đánh giá mức độ kiểm soát triệu chứng.
Một vài bộ điểm số kiểm soát hen đã được biên soạn dành cho trẻ em. Chúng gồm:
+ Test Kiểm soát Hen ở Trẻ (c-ACT) với những phần để điền riêng biệt dành cho cha mẹ và dành cho trẻ
+ Bảng Câu hỏi Kiểm soát Hen (ACQ): Có vài bộ cho điểm kiểm soát hen dành cho trẻ em bao gồm đợt kịch phát các triệu chứng.
Chúng gồm:
+ Test Kiểm soát Hen và Hô hấp ở Trẻ (TRACK)
+ Chỉ số Tổng hợp về độ Nặng của Hen (CASI)
Kết quả của những test khác nhau này tương quan có mức độ với nhau và với sự phân loại kiểm soát hen của GINA.
Đánh giá kiểm soát hen ở người lớn, thiếu niên và trẻ 6 – 11 tuổi của GINA
Các câu hỏi cụ thể để đánh giá hen ở trẻ em 6-11 tuổi
ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ CỦA KẾT QUẢ BẤT LỢI TRONG TƯƠNG LAI
Thành phần thứ hai của đánh giá kiểm soát hen là xác định bệnh nhân có nguy cơ kết quả bất lợi hay không, đặc biệt là đợt kịch phát, giới hạn luồng khí cố định và tác dụng phụ của các thuốc. Triệu chứng hen, dù là một kết quả quan trọng đối với bệnh nhân và chính chúng là một dự báo mạnh mẽ của nguy cơ tương lai của đợt kịch phát, nhưng không đủ để đánh giá hen bởi vì:
+ Triệu chứng hen có thể kiểm soát được bằng giả dược hoặc bằng cách sử dụng không phù hợp với chỉ một mình đồng vận beta2 tác dụng dài (LABA), vốn không điều trị viêm đường dẫn khí.
+ Triệu chứng hô hấp có thể do các tình trạng khác như thể hình kém, hoặc bệnh đồng mắc như tắc nghẽn thanh quản cảm ứng.
+ Lo âu hoặc trầm cảm có thể góp phần vào triệu chứng do bệnh nhân khai.
+ Một số bệnh nhân có ít triệu chứng dù chức năng hô hấp thấp.
Kiểm soát triệu chứng hen và nguy cơ đợt kịch phát không nên kết hợp đơn giản bằng cách cộng số lại, bởi vì kiểm soát triệu chứng và đợt kịch phát kém có thể có nguyên nhân khác nhau và cần cách điều trị khác nhau.
Yếu tố nguy cơ đối với đợt kịch phát
Chính kiểm soát triệu chứng hen kém làm tăng nguy cơ đợt kịch phát một cách đáng kể.
Tuy nhiên, một vài yếu tố nguy cơ độc lập bổ sung đã được xác định, ví dụ như khi có nó, các yếu tố nguy cơ đợt kịch phát của bệnh nhân sẽ gia tăng dù triệu chứng ít. Các yếu tố này gồm có bệnh sử ≥1 đợt kịch phát trong năm vừa qua, tuân thủ kém, kỹ thuật hít thuốc không đúng, viêm xoang mạn tính và hút thuốc lá; tất cả có thể được đánh giá ở chăm sóc ban đầu.
Ở trẻ em, nguy cơ đợt kịch phát tăng mạnh nếu có tiền sử các đợt kịch phát trước đó; nó cũng tăng khi kiểm soát triệu chứng kém, đơn thuốc không tối ưu, bệnh dị ứng đồng mắc và nghèo khó.
Yếu tố nguy cơ đối với việc phát sinh giới hạn luồng khí dai dẳng
Mức độ sụt giảm trung bình của FEV1 ở người lớn khỏe mạnh không hút thuốc là 15-20 mL/năm. Người bệnh hen có thể có mức sụt giảm chức năng hô hấp tăng lên và dẫn đến tình trạng giới hạn luồng khí không thể hồi phục hoàn toàn. Điều này thường kèm theo khó thở dai dẳng hơn. Các yếu tố nguy cơ độc lập đã được xác định đối với giới hạn luồng khí cố định gồm có phơi nhiễm khói thuốc lá hoặc chất độc, tăng tiết chất nhày mạn tính và các đợt kịch phát hen ở bệnh nhân không sử dụng ICS.
Trẻ em bị hen dai dẳng có thể có chức năng hô hấp tăng trưởng kém, và một số có nguy cơ giảm chức năng hô hấp tăng dần lúc bắt đầu cuộc sống trưởng thành.
Yếu tố nguy cơ đối với tác dụng phụ của thuốc
Lựa chọn bất kỳ thuốc nào cũng dựa trên sự cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Hầu hết người sử dụng thuốc hen không bị một tác dụng phụ nào. Nguy cơ tác dụng phụ tăng lên với liều thuốc cao hơn, nhưng ít bệnh nhân cần đến liều thuốc cao này. Tác dụng phụ toàn thân có thể gặp ở ICS liều cao, dài hạn bao gồm bầm tím da, tăng nguy cơ loãng xương quá mức so với độ tuổi, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và ức chế thượng thận. Tác dụng phụ tại chỗ của ICS bao gồm nấm miệng và khàn tiếng. Bệnh nhân có nguy cơ cao hơn đối với tác dụng phụ của ICS khi sử dụng liều cao hơn hoặc công thức kết hợp mạnh hơn và đối với tác dụng phụ tại chỗ, nếu sử dụng thuốc hít không đúng kỹ thuật.
VAI TRÒ CỦA CHỨC NĂNG HÔ HẤP TRONG ĐÁNH GIÁ KIỂM SOÁT HEN
Có sự liên hệ giữa chức năng hô hấp với các cách đánh giá kiểm soát hen khác không?
Chức năng hô hấp không tương quan mạnh với triệu chứng hen ở người lớn hoặc trẻ em.
Trong một số công cụ kiểm soát hen, chức năng hô hấp được tính bình quân theo điểm số hoặc bổ sung với triệu chứng nhưng nếu công cụ bao gồm vài triệu chứng, chúng có thể quan trọng hơn là sự khác biệt có ý nghĩa lâm sàng của chức năng hô hấp.
Ngoài ra, FEV1 thấp là một dự báo độc lập mạnh mẽ của nguy cơ đợt kịch phát, ngay cả sau khi điều chỉnh với tần số triệu chứng.
Chức năng hô hấp nên được đánh giá lúc chẩn đoán hoặc lúc bắt đầu điều trị; sau khi điều trị kiểm soát 3-6 tháng để đánh giá FEV1 tốt nhất của bệnh nhân; và định kỳ sau đó. Thí dụ, trong hầu hết các bệnh nhân trưởng thành, chức năng hô hấp nên được đo ít nhất mỗi 1-2 năm, nhưng thường xuyên hơn đối với các bệnh nhân nguy cơ cao hơn, gồm người có đợt kịch phát và người có nguy cơ suy giảm chức năng hô hấp.
Chức năng hô hấp nên được đo thường xuyên hơn ở trẻ em dựa trên mức độ nặng của hen và diễn tiến lâm sàng (Chứng cứ D).
Khi chẩn đoán hen được khẳng định, nói chung không cần phải yêu cầu bệnh nhân ngưng các loại thuốc thường lệ hoặc khi cần trước khi khám bệnh, nhưng tốt hơn nên dùng thuốc như nhau mỗi lần thăm khám.
Cách diễn giải kết quả test chức năng hô hấp trong hen
FEV1 thấp hơn phần trăm dự đoán:
+ Xác định bệnh nhân có nguy cơ đợt kịch phát hen, độc lập với mức độ triệu chứng, nhất là khi FEV1 <60% dự đoán.
+ Là một yếu tố nguy cơ đối với suy giảm chức năng hô hấp, độc lập với mức độ triệu chứng.
+ Nếu các triệu chứng ít, gợi ý đến sự giới hạn trong cách sinh hoạt, hoặc nhận thức kém về giới hạn luồng khí vốn có thể do viêm đường thở không được điều trị.
FEV1 “bình thường‟ hoặc cao ở một bệnh nhân có triệu chứng hô hấp thường xuyên (nhất là khi bệnh nhân đang có triệu chứng:
+ Xem xét ngay các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng; ví dụ như bệnh tim, hoặc ho do chảy mũi sau hoặc trào ngược dạ dày – thực quản.
Sự hồi phục dai dẳng sau thuốc giãn phế quản:
+ Phát hiện sự hồi phục sau thuốc giãn phế quản đáng kể (tăng FEV1 >12% và >200 mL từ trị số cơ bản) ở bệnh nhân đang điều trị với thuốc kiểm soát hoặc người đã sử dụng đồng vận beta2 tác dụng ngắn trong vòng 4 giờ, hoặc LABA trong vòng 12 giờ (hoặc 24 giờ đối với LABA một lần mỗi ngày), gợi ý đến hen không kiểm soát.
Ở trẻ em, hô hấp ký không đáng tin cậy cho đến khi 5 tuổi hoặc lớn hơn, và hô hấp ký kém hữu ích hơn so với ở người lớn. Nhiều trẻ bị hen không kiểm soát vẫn có chức năng hô hấp bình thường giữa các đợt kịch phát.
Cách diễn giải sự thay đổi chức năng hô hấp trong thực hành lâm sàng
Nếu điều trị với ICS đều đặn, FEV1 sẽ bắt đầu cải thiện trong vài ngày và đạt tới mức bình nguyên sau khoảng 2 tháng.
Trị số FEV1 cao nhất của bệnh nhân nên được ghi nhận, bởi vì nó cho phép so sánh hữu ích hơn trong thực hành lâm sàng so với phần trăm dự đoán FEV1. Nếu trị số dự đoán được sử dụng ở trẻ em, hãy đo chiều cao mỗi lần thăm khám.
Một số bệnh nhân có mức giảm chức năng hô hấp nhanh hơn mức trung bình và phát sinh giới hạn luồng khí “cố định‟ (không hồi phục hoàn toàn). Một đợt dùng thử ICS-LABA liều cao và/hoặc corticosteroid toàn thân có thể phù hợp để xem FEV1 có cải thiện không, không nên tiếp tục liều cao nếu không có đáp ứng.
Sự thay đổi giữa các lần thăm khám của FEV1 (≤12% tuần này qua tuần khác hoặc 15% năm này qua năm khác ở người mạnh khỏe) đã hạn chế việc sử dụng nó trong việc điều chỉnh điều trị trong thực hành lâm sàng. Sự khác biệt quan trọng tối thiểu đối với cải thiện và trở nặng FEV1 dựa trên nhận biết sự thay đổi của bệnh nhân được báo cáo là vào khoảng 10%.
Vai trò của việc theo dõi PEF ngắn hạn và dài hạn
Khi đã được chẩn đoán hen, theo dõi PEF ngắn hạn được sử dụng để đánh giá đáp ứng điều trị, để xác định các yếu tố kích phát (cả ở nơi làm việc) làm triệu chứng trở nặng, hoặc để lập cơ sở cho kế hoạch hành động. Sau khi bắt đầu ICS, PEF cá nhân tốt nhất (từ số đo hai lần một ngày) đạt mức trung bình trong 2 tuần. PEF trung bình tiếp tục tăng và dao động PEF trong ngày giảm xuống trong khoảng 3 tháng.
PEF dao động quá mức gợi ý kiểm soát hen dưới mức tối ưu và tăng nguy cơ đợt kịch phát.
Theo dõi lưu lượng thở ra đỉnh (PEF) dài hạn bây giờ nói chung chỉ được khuyến cáo cho bệnh nhân hen nặng, hoặc cho người không cảm nhận tốt giới hạn luồng khí.
Trong thực hành lâm sàng, hiển thị kết quả PEF trên một biểu đồ chuẩn có thể làm tăng mức chính xác của việc giải thích.
ĐÁNH GIÁ ĐỘ NẶNG HEN
Cách đánh giá độ nặng hen trong thực hành lâm sàng
Độ nặng hen được đánh giá hồi cứu từ mức điều trị cần thiết để kiểm soát triệu chứng và đợt kịch phát.
Nó có thể được đánh giá khi bệnh nhân đã điều trị với thuốc kiểm soát trong vài tháng và nếu được, cố gắng hạ bậc điều trị để tìm ra mức điều trị hữu hiệu với liều thuốc thấp nhất cho bệnh nhân. Độ nặng hen không phải là một đặc điểm bất biến và có thể thay đổi theo tháng hoặc theo năm.
Độ nặng hen được đánh giá khi bệnh nhân đã điều trị với thuốc kiểm soát đều đặn trong vài tháng:
+ Hen nhẹ là hen được kiểm soát tốt với điều trị Bậc 1 hoặc Bậc 2, nghĩa là chỉ dùng ICS formoterol khi cần, hoặc điều trị với thuốc kiểm soát nhẹ như là ICS liều thấp, đối kháng thụ thể leukotriene hoặc chromone. Đối với bệnh nhân đã được kê toa ICS-formoterol khi cần, tần suất sử dụng vốn nên được xem xét để thể hiện hen kiểm soát tốt chưa được xác định.
+ Hen trung bình là hen được kiểm soát tốt với điều trị Bậc 3, ví dụ như ICS-LABA liều thấp.
+ Hen nặng là hen cần điều trị ở Bậc 4 hoặc 5, ví dụ như ICS-LABA liều cao để ngừa hen trở nên “không kiểm soát‟ hoặc hen vẫn “không kiểm soát‟ dù điều trị ở mức này. Trong khi nhiều bệnh nhân hen không kiểm soát có thể khó điều trị do điều trị không đầy đủ hoặc không phù hợp, hoặc có các vấn đề dai dẳng liên quan đến không tuân thủ hoặc bệnh đồng mắc như viêm mũi xoang mạn tính hoặc béo phì.
Nhóm công tác về Hen nặng của Hội Hô hấp Châu Âu/Hội Lồng ngực Hoa Kỳ cho rằng định nghĩa hen nặng chỉ nên được dành cho bệnh nhân có hen khó điều trị và bệnh nhân đáp ứng với bệnh đồng mắc không hoàn toàn.
Cách phân loại độ nặng hen trong các nghiên cứu dịch tễ và thử nghiệm lâm sàng
Để mô tả người tham gia trong nghiên cứu dịch tễ và thử nghiệm lâm sàng, độ nặng hen thường dựa vào bậc điều trị đã kê toa. Ví dụ bệnh nhân được kê toa Bậc 2 thường được mô tả có bệnh hen nhẹ; người được kê toa Bậc 3-4 là hen trung bình; và người được kê toa Bậc 4-5 là hen trung bình đến nặng. Phương pháp này dựa trên giả định rằng bệnh nhân đang được điều trị phù hợp, và người được kê toa điều trị nặng hơn có lẽ đã có bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là một phương pháp đại diện và nó có thể gây nhầm lẫn bởi vì hầu hết các nghiên cứu cũng đòi hỏi người tham gia có triệu chứng không kiểm soát lúc bắt đầu. Đối với các nghiên cứu dịch tễ hoặc thử nghiệm lâm sàng, người ta thích phân loại bệnh nhân theo bậc điều trị họ đã được kê toa hơn, mà không ám chỉ độ nặng. Đặc biệt là để tránh nhầm lẫn, điều trị chỉ với SABA không nên được mô tả là điều trị “Bậc 1‟.
Đối với các quốc gia nguồn lực kém hiện không thể tiếp cận các thuốc như ICS, định nghĩa hen nặng của Tổ chức Y tế Thế giới bao gồm một loại “hen nặng không được điều trị‟. Loại này tương ứng với các phân loại khác của hen không kiểm soát ở bệnh nhân không được điều trị với thuốc kiểm soát hen.
“Nặng‟ thường cũng được dùng để mô tả cường độ các triệu chứng hen, mức độ giới hạn luồng khí hoặc tính chất của đợt kịch phát. Trong y văn hen cũ, nhiều phân loại độ nặng khác nhau được sử dụng; nhiều bản tương tự các khái niệm hiện nay của kiểm soát hen.
Cái nhìn của bệnh nhân về độ nặng hen
Bệnh nhân có thể cảm nhận hen của họ là nặng nếu họ có các triệu chứng nặng hoặc thường xuyên, nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là bệnh nặng, bởi vì các triệu chứng hen có thể nhanh chóng được kiểm soát tốt với ICS. Điều quan trọng là bác sĩ trao đổi rõ ràng với bệnh nhân rằng từ “nặng‟ theo bác sĩ nghĩa là gì.
Cách phân biệt giữa hen không kiểm soát và hen nặng
Mặc dù hầu hết các bệnh nhân hen có thể đạt được kiểm soát triệu chứng tốt và đợt kịch phát ít nhất với điều trị bằng thuốc kiểm soát hen thông thường, một số bệnh nhân sẽ không đạt được một hoặc cả hai mục đích này dù đã điều trị tối đa. Ở một số bệnh nhân, nguyên nhân là do hen nặng thật sự không đáp ứng, nhưng ở nhiều bệnh nhân khác, nguyên nhân là do bệnh đồng mắc, phơi nhiễm dai dẳng trong môi trường hoặc yếu tố tâm lý xã hội.
Quan trọng là phải phân biệt giữa hen nặng và hen không kiểm soát, bởi vì hen không kiểm soát là lý do thường gặp hơn nhiều của các triệu chứng dai dẳng và các đợt kịch phát và có thể cải thiện dễ dàng hơn.
Các vấn đề thường gặp nhất, cần phải được loại trừ trước khi chẩn đoán hen nặng là:
+ Kỹ thuật hít thuốc kém (lên đến 80% bệnh nhân trong cộng đồng)
+ Tuân thủ điều trị kém
+ Chẩn đoán hen không đúng, với các triệu chứng do các bệnh khác như rối loạn chức năng đường hô hấp trên, suy tim hoặc thể lực kém
+ Bệnh đồng mắc hoặc các biến chứng như viêm mũi xoang, trào ngược dạ dày – thực quản, béo phì và ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn
+ Tiếp tục phơi nhiễm các chất kích thích hoặc mẫn cảm ở nhà hoặc nơi làm việc.
Kiểm tra bệnh nhân có kiểm soát triệu chứng kém và/hoặc đợt kịch phát dù đã điều trị
Về kiểm soát hen và độ nặng
+ Mức kiểm soát hen là mức độ các tính chất của hen có thể quan sát được ở bệnh nhân, hoặc đã được làm giảm xuống hoặc biến mất do điều trị.
+ Kiểm soát hen được đánh giá trên hai lĩnh vực: kiểm soát triệu chứng và nguy cơ của kết quả bất lợi trong tương lai. Kiểm soát triệu chứng kém là gánh nặng đối với bệnh nhân và làm tăng nguy cơ các đợt kịch phát, nhưng những bệnh nhân bị hen có vẻ nhẹ, nghĩa là có ít hoặc không có triệu chứng, vẫn có thể có các đợt kịch phát nặng.
+ Độ nặng hen được đánh giá hồi cứu, sau ít nhất 2-3 tháng điều trị, từ mức độ điều trị cần để kiểm soát các triệu chứng và các đợt kịch phát. Điều quan trọng là phân biệt giữa hen nặng và hen không được kiểm soát, ví dụ do kỹ thuật hít không đúng và/hoặc tuân thủ kém.
Cách đánh giá một bệnh nhân hen
+ Đánh giá kiểm soát triệu chứng từ tần số các triệu chứng hen ban ngày, ban đêm và việc sử dụng thuốc giảm triệu chứng; và hạn chế hoạt động. Các công cụ kiểm soát triệu chứng gồm có Test Kiểm soát Hen và Bản Câu hỏi Kiểm soát Hen.
+ Đánh giá nguy cơ tương lai của bệnh nhân đối với đợt kịch phát, ngay cả khi kiểm soát triệu chứng tốt.
Yếu tố nguy cơ đã được xác định đối với đợt kịch phát, vốn độc lập với kiểm soát triệu chứng bao gồm bệnh sử ≥1 đợt kịch phát trong năm vừa qua, tuân thủ kém, kỹ thuật hít thuốc không đúng, chức năng hô hấp thấp, hút thuốc lá và tăng bạch cầu ái toan trong máu.
+ Cũng cần đánh giá các yếu tố nguy cơ đối với giới hạn luồng khí dai dẳng và tác dụng phụ của thuốc, vấn đề điều trị như kỹ thuật hít và tuân thủ, và bệnh đồng mắc, và hỏi bệnh nhân về các mục tiêu điều trị hen của họ.
+ Khi đã chẩn đoán hen, chức năng hô hấp là chỉ số hữu ích nhất của nguy cơ tương lai. Chức năng hô hấp nên được ghi nhận lúc chẩn đoán, 3-6 tháng sau khi bắt đầu điều trị và định kỳ sau đó.
+ Khảo sát thêm nếu có ít triệu chứng mà chức năng phổi giảm, hoặc có triệu chứng thường xuyên mà chức năng phổi tốt.
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn