Theo ước tính, có từ 5 đến 7% dân số tại TPHCM mắc bệnh hen phế quản. Hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, biểu hiện bằng các cơn khó thở, ho, khò khè.
Thông thường các chất tưởng như vô hại, đối với đa số người bình thường, trong môi trường như bụi, phấn hoa, mùi thơm, khí lạnh lại trở thành các yếu tố kích phát gây ra các cơn hen phế quản dị ứng đối với người có hệ thống miễn dịch mẫn cảm.
Tác nhân gây dị ứng (dị ứng nguyên)
Người bệnh cần biết trong điều kiện nào hay khi tiếp xúc với tác nhân nào (không khí lạnh, một mùi thơm, một loại thức ăn nào đó) thì mình sẽ bị cơn hen kịch phát để từ đó có kế hoạch phòng tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên đó nhằm ngừa cơn hen.
Trong trường hợp người bệnh không thể tự nhận biết dị ứng nguyên nào gây ra các cơn hen cho mình, thầy thuốc có thể tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán như:
- Ðo chức năng hô hấp: Nhằm chẩn đoán hen phế quản và đánh giá mức độ trầm trọng của cơn hen.
- Thử phản ứng với Methacholin: Trong trường hợp việc đo chức năng hô hấp vẫn bình thường (do ngoài cơn hen khi đến khám) thầy thuốc có thể cho bệnh nhân hít chất Methacholin và đo lại chức năng hô hấp, nếu sau khi đã hít Methacholin mà chức năng hô hấp giảm trên 20% thì chẩn đoán hen được xác lập. Dĩ nhiên sau đó, bác sĩ phải tiếp tục cho người bệnh hít các thuốc giãn phế quản để trả người bệnh lại trạng thái bình thường.
- Xét nghiệm máu để định lượng kháng thể IgE nhằm xác định tình trạng dị ứng.
- Phản ứng da: Bác sĩ sẽ chích vào dưới da người bệnh một lượng rất nhỏ các dị ứng nguyên khác nhau như: bụi nhà, các loại phấn hoa... Việc làm này giống như cách các thầy thuốc thử test thuốc, sau đó quan sát phản ứng các vết chích, vết chích nào sưng to và có quầng đỏ thì được xem là cơ thể có khả năng dị ứng với dị ứng nguyên tương ứng.
Hen phế quản và dị ứng liên quan mật thiết với nhau (Ảnh minh họa)
Ðiều trị tình trạng dị ứng: Miễn dịch trị liệu
Trong một số các trường hợp hen có liên quan rõ rệt đến tình trạng dị ứng, hoặc trong các trường hợp hen không kiểm soát được với chế độ điều trị thông thường, việc hướng đến một chế độ điều trị dị ứng song song với điều trị hen là cần thiết. Các phương pháp điều trị gồm:
- Nếu biết rõ mình dị ứng với một chất cụ thể nào đó, người bệnh phải tránh tiếp xúc với chất đó. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần tránh tiếp xúc dị ứng nguyên, người bệnh đã có thể kiểm soát cơn hen của mình. Cần lưu ý: Bụi nhà là một dị ứng nguyên rất thông thường, do vậy việc vệ sinh sạch sẽ môi trường sống và làm cho căn nhà bạn thoáng khí hơn luôn là việc cần thiết.
- Trong trường hợp không rõ dị ứng nguyên, dựa vào phản ứng da, thầy thuốc sẽ đoán được các dị ứng nguyên đối với người bệnh, sau đó bằng cách giải mẫn cảm tức cho tiếp xúc dị ứng nguyên với liều tăng dần trong điều kiện có theo dõi chặt chẽ, để tập cho cơ thể người bệnh quen dần với dị ứng nguyên. Phương pháp điều trị này có thể phải kéo dài trong nhiều tháng và cho kết quả rất hạn chế.
Các chất thường gây dị ứng với bệnh nhân hen
Mặc dù bất cứ chất nào cũng có thể gây ra dị ứng, tuy nhiên các nguyên nhân hoặc chất thường gây ra dị ứng hơn là:
- Bụi (nhất là bụi nhà).
- Nấm mốc.
- Không khí lạnh, bệnh cúm.
- Khói thuốc lá.
- Khói củi đốt.
- Dầu thơm.
- Mùi thơm.
- Các loại thuốc xịt, hơi xịt.
- Thức ăn.
- Các loại thuốc.
- Phân hoặc xác gián.
- Phấn hoa.
- Vết cắn của côn trùng.
Tổng đài bác sĩ tư vấn và theo dõi điều trị 1800 5454 35 / Zalo 0916 561 338
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn