Thời tiết chuyển mùa, nhiều người bị hen (suyễn), viêm mũi dị ứng do nhạy cảm với môi trường nhưng không biết rằng hai bệnh này liên quan với nhau.
Đo hô hấp ký cho trẻ để chẩn đoán hen suyễn và viêm mũi dị ứng
Một số nghiên cứu cho thấy 80% bệnh nhân hen có viêm mũi dị ứng và 30% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có hen. PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, trưởng Trung tâm Chăm sóc hô hấp, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết viêm mũi dị ứng và hen là một, vì vậy khi viêm mũi dị ứng coi chừng bị hen, và khi bị hen coi chừng bị viêm mũi dị ứng!
Dễ mắc hen, viêm mũi dị ứng
Theo BS Lan, viêm mũi dị ứng thường gặp ở thiếu niên và người trẻ tuổi. Sáng dậy người bệnh sổ mũi (thường là trong và loãng, hắt hơi), cảm thấy ngứa cổ họng, rát cổ họng, ho. Nhiều người không điều trị, kéo dài năm này qua năm khác, đến khi nghẹt mũi là đã nặng. Nếu để viêm mũi dị ứng kéo dài có thể sưng amygdales, sưng VA.
Ở trẻ con, trẻ không thở được bằng mũi mà phải thở bằng miệng dẫn tới ngáy lúc ngủ và có thể ngưng thở lúc ngủ. Chưa kể trẻ có thể thay đổi về hành vi như kém tập trung, cáu gắt, học kém và ngủ gục ban ngày. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng có thể theo mùa (thường do phấn hoa), hoặc quanh năm do các tác nhân dị ứng trong nhà như bụi, mạt nhà, thức ăn, nhất là protein sữa, côn trùng đốt. Trẻ nhỏ đặc biệt dị ứng với thức ăn và các tác nhân dị ứng trong nhà.
Còn với
hen suyễn, số bệnh nhân ngày càng nhiều, một nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy tần suất mắc bệnh ở trẻ là 10%. Một nghiên cứu quốc tế ở trẻ 13-14 tuổi tại TP.HCM, tỉ lệ này lên đến 21,9%. Nguyên nhân do thành phố quá ô nhiễm, nơi nào cũng có máy lạnh nhưng phần lớn không làm sạch máy lạnh. Biểu hiện của hen suyễn là ho, khò khè, khó thở.
Khi gặp 1 trong 8 triệu chứng sau bạn cần nghĩ đến hen và gặp bác sĩ yêu cầu được đo hô hấp ký để chẩn đoán:
1. Ho khi gặp chất ô nhiễm trong không khí.
2. Ho, khò khè sau khi vận động.
3. Ho về đêm và làm khó chịu.
4. Ho khi lạnh, thay đổi thời tiết.
5. Khò khè tái đi tái lại.
6. Bị cảm xâm nhiễm vào phổi hay cảm hơn 10 ngày mới khỏi.
7. Ho, khò khè, khó thở vào một mùa nhất định trong năm.
8. Dùng thuốc hen suyễn thì giảm triệu chứng.
Mối liên quan “ruột rà”
BS Tuyết Lan phân tích khi chúng ta bị viêm mũi thì thường chuyển sang thở bằng miệng, lúc đó các chất dịch mũi có các chất gây viêm bị hít vào phổi. Viêm mũi dị ứng là yếu tố khởi phát hen và được cho là nguyên nhân trực tiếp gây ra 26,42% cơn hen ở trẻ em. Bệnh nhân viêm mũi dị ứng có nguy cơ bị hen cao gấp ba lần người bình thường. Đồng thời viêm mũi dị ứng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống bệnh nhân hen: làm gia tăng các triệu chứng hen, tăng nguy cơ nhập viện do hen, tăng đợt kịch phát và cấp cứu do hen, làm hen không được kiểm soát. Điều trị viêm mũi dị ứng trên bệnh nhân hen sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh, kiểm soát hen tốt hơn, giảm tình trạng cấp cứu và nhập viện. Do vậy khi hắt hơi, sổ mũi kéo dài hơn hai tuần thì nên đi bác sĩ khám, đi khám khẩn cấp nếu trẻ ngưng thở lúc ngủ nặng hoặc sốc phản vệ.
Để điều trị hen và viêm mũi dị ứng, người bệnh phải biết tác nhân kích thích mà tránh. Người bị viêm mũi dị ứng nên chích ngừa cúm vào đầu tháng 10 hằng năm, có thể tiêm thêm một lần nữa vào tháng 4. Phải giữ ấm cơ thể, có thể bằng cả thức ăn, và đặc biệt giữ ấm hai bàn chân. Người bị suyễn nên luôn có thuốc xịt cắt cơn để sẵn dự phòng. Việc dùng thuốc lâu dài phải được bác sĩ theo dõi và hạ liều thuốc sau mỗi ba tháng. Với việc dùng máy xông tại nhà, theo bác sĩ Tuyết Lan, là không cần thiết.
Tóm lại, viêm mũi dị ứng và hen là một bệnh lý của đường hô hấp, là hậu quả của tương tác giữa gen và môi trường. Để phòng ngừa hai bệnh này, người bệnh cần giảm tiếp xúc các yếu tố kích thích. Khi bị viêm mũi dị ứng cần điều trị sớm để tránh biến chứng, tránh chuyển sang hen, tránh làm nặng bệnh hen. Bệnh nhân viêm mũi dị ứng nên đi khám tầm soát hen và ngược lại.
"Nên tầm soát hen ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng có triệu chứng hô hấp bằng hô hấp ký. Thực hiện hô hấp ký đơn giản, nhưng bệnh nhân cần lưu ý là xem bác sĩ có dùng bộ lọc mới hay không! Nếu bác sĩ dùng lại bộ lọc của người khác trước đó thì người bệnh phải từ chối không làm"
PGS.TS.BS LÊ THỊ TUYẾT LAN
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn