Nhiều loại chăn gối sản xuất thủ công được thu gom từ những chiếc chăn thải ra từ bệnh viện, bãi rác, vải vụn… là “thủ phạm” gây ra chứng bệnh nổi nấm, hen suyễn và bị ngứa, da đầu nổi mụn nước tái đi tái lại mà TS Nguyễn Duy Hưng, Viện Da liễu TƯ, tìm ra.
Thu gom chăn rác từ… bệnh viện
Một vị bác sĩ đã phải thốt lên rằng tại sao những chiếc chăn thải ra từ bệnh viện, đa phần là chăn của những bệnh nhân đã chết vẫn có người đến thu gom, chăn từ bãi rác vẫn có người đến nhặt mang đi bán. Bởi đằng sau nghề đó tiềm ẩn một nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng, trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương về vấn đề này.
Để đánh giá về những chất hóa học tiềm ẩn trong chăn, Tiến sĩ Hưng cho rằng rất khó vì hiện nay vẫn chưa có cơ quan nào thẩm định, kiểm nghiệm thành phần chăn trôi nổi trên thị trường.
Có thể có nguy cơ một số hóa chất bảo quản bông vải sợ như formaldehyde, chất chống nấm, vi trùng được sử dụng nếu đúng như quy định trong sản xuất công nghiệp. Những chất formaldehyde gây nhiễm độc cho da, thần kinh và phủ tạng. Ngoài ra, việc sử dụng những bông vải sợi, chế phẩm tái chế ở một số nguồn có thể nhiễm nấm cadida (nấm mem), nấm mốc.
Những người có sức đề kháng tốt ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nếu mật độ nấm nhiều thì những người đó cũng dễ nhiễm. Đặc biệt đối với trẻ em, người kém đề kháng thì nhiễm những nấm này rất nguy hiểm. Việc điều trị ở một số bệnh nhân qua xét nghiệm mới phát hiện được.
Chăn, đệm, gối sản xuất thủ công, quy trình sản xuất không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra còn gây dị ứng như dị ứng với gối, với chăn. Biểu hiện viêm tấy đỏ, mụn nước, bệnh nhân ngứa kinh khủng.
Kinh hoàng nổi nấm, hen suyễn vì ruột gối, chăn bẩn (Ảnh minh họa)
Hiện tại TS Hưng đã gặp khá nhiều bệnh nhân dị ứng với chăn gối. Ông Nguyễn Văn Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có biểu hiện thường xuyên bị ngứa, da đầu nổi các mụn nước khiến ông nhiều đêm không ngủ được. Bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện nhưng không khỏi dứt điểm nên thường xuyên phải quay lại viện.
Các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm truy tìm “hung thủ” gây bệnh và phát hiện ra có thể do chiếc gối ở nhà ông Hải.
Chiếc gối được làm bằng chất liệu kém chất lượng, bông đen sì, chứa sẵn nhiều vi khuẩn nấm mốc, sau một thời gian sử dụng bị thấm mồ hôi nên càng dễ lây nhiễm qua da đầu của người sử dụng. Sau khi được phát hiện, ông Hải bỏ hẳn chiếc gối này đi, trị liệu thêm thì quả là bệnh đã thuyên giảm dần.
Gây hen suyễn
Theo ThS. BS Hoàng Đức Bách, Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp, BV Việt Nam - Cuba, việc sử dụng chăn gối không rõ nguồn gốc, chăn bẩn vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe. Mặc dù chưa có bệnh nhân cụ thể nào chứng minh do chăn gối bẩn nhưng chăn gối cũng được đánh giá là tác nhân gây hen suyễn.
Các chất bụi từ chăn, gối không an toàn có thể gây viêm hô hấp, viêm khí quản đặc biệt là đối với trẻ em. Các mặt hàng chăn khi đắp lên người, những bụi vải từ chăn sẽ trực tiếp đi vào đường hô hấp gây khó thở, lâu ngày sinh hen suyễn, viêm hô hấp mãn tính…
Để bảo vệ người tiêu dùng và hạn chế việc “lấn sân” của chăn gối bẩn, Tiến sĩ Hưng cho rằng các cơ quan cần có hướng dẫn cụ thể cách sản xuất như nào cho an toàn từ hóa chất tẩy cho đến bảo quản. Khi thành sản phẩm cũng cần kiểm tra xem sản phẩm có chất độc, nhiễm nấm, vi trùng, vi rút nào không.
Việc cấm người dân không sản xuất chăn, gối tự phát cũng khó vì đó là nguồn sống của họ. Do vậy nên có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan chức năng liên quan.
TS Hưng khuyên người dân nên chọn mua những sản phẩm chính hãng, có uy tín, không nên sử dụng sản phẩm chưa được kiểm nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay nhãn mác rởm cũng khó mà phân biệt được, cần có các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Ngoài ra, TS Hưng còn băn khoăn thêm một nguồn bệnh đang rình rập người dân sinh sống ở khu vực sản xuất chăn gối bẩn. Các sản phẩm đó khi xử lý và nguồn nước thải ra khu vực, gây ảnh hưởng sức khỏe rất lớn cho người dân sinh sống tại đó. Nguồn vi khuẩn gây nấm vẫn tồn tại trong nguồn nước và ngày càng phát triển ở môi trường thích hợp.
Theo Khánh My
Khoa học và Đời sống
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn