Nhiều người bệnh không bị tái phát cơn hen cấp tính trong thời gian dài, nhưng chỉ trong mấy ngày thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường hay tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ cơn hen đã đột ngột trở lại. Thậm chí với mức độ nghiêm trọng khiến người bệnh phải nhập viện. Vậy liệu trước đó người bệnh có “khỏi bệnh” như người bệnh vẫn nghĩ? Điều gì khiến các cơn hen cấp tính tái phát trở lại? Cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.
Hen phế quản là căn bệnh mạn tính
Hen phế quản đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở. Chính tính trạng viêm mạn tính khiến cho đường thở tăng đáp ứng với các kích thích trực tiếp và gián tiếp, dễ bị ảnh hưởng với những tác nhân kích thích từ bên ngoài hoặc ngay chính bên trong cơ thể người bệnh làm co thắt phế quản và lên cơn hen. Cơn hen đặc trưng bởi các triệu chứng ho, khò khè, khó thở, nặng ngực.
Theo y học hiện đại, nguyên nhân gây ra bệnh hen vẫn chưa được xác định như bệnh hen phế quản có thể là kết quả của sự phối hợp nhiều yếu tố nguy cơ, gồm yếu tố bản thân và yếu tố môi trường. Bởi hen phế quản là bệnh mạn tính, đặc trưng bởi viêm đường thở mạn tính nên tình trạng này thường tồn tại dai dẳng, ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chức năng hô hấp bình thường.
Khi được điều trị đúng cách, tình trạng viêm có thể thuyên giảm, bệnh ổn định không có triệu chứng trong một thời gian dài. Nhưng khi có các kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp từ bên trong cơ thể hay bên ngoài môi trường có thể các triệu chứng sẽ trở lại. Lúc này người bệnh cần điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp và xem xét các yếu tố liên quan tới môi trường sống, bệnh lý đi kèm…
Những yếu tố nguy cơ khiến cơn hen phế quản tái phát, đặc biệt khi giao mùa
Thuốc điều trị kém đáp ứng, dùng không đúng liều không phải là nguyên nhân duy nhất khiến hen phế quản trở lại với các cơn hen phế quản tái phát thường xuyên. Nếu người bệnh đang gặp phải các triệu chứng hen phế quản như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực… nhiều hơn 2 lần/1 tuần thì có nghĩa hen phế quản đã mất kiểm soát. Người bệnh cần đánh giá lại một số vấn đề sau:
- Thuốc lá và khói thuốc lá trong môi trường sống
Hút thuốc lá có tác hại nhiều mặt đến người đã xác định có hen, ngoài những tác hại đã biết như tăng nguy cơ ung thư phổi, COPD và các bệnh tim mạch; phơi nhiễm khói thuốc lá trong khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ hen và các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ em.
Ở người có tiền sử mắc hen phế quản (cả người lớn và trẻ em), phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ nhập viên và kiểm soát hen kém. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ kiểm soát hen kém, nhập viện và đi kèm với tử vong do hen phế quản; làm tăng tốc độ suy giảm chức năng hô hấp và có thể dẫn đến COPD, làm giảm hiệu quả của thuốc dự phòng.
Nếu người bệnh xuất hiện các cơn cấp tính, nên xem xét đánh giá lại các yếu tố trong môi trường sống, đầu tiên là việc phơi nhiễm khói thuốc lá.
- Hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất trung bình đều đặn có lợi ích to lớn cho sức khỏe, bao gồm làm giảm nguy cơ tim mạch và tăng chất lượng cuộc sống. Nhưng nếu hoạt động thể chất quá sức có thể làm khởi phát cơn hen cấp tính. Vì vậy để hạn chế tái phát hen thì người bệnh cần biết cách xử trí và dự phòng hen do vận động, cần khởi động kỹ trước khi vận động.
- Phơi nhiễm nghề nghiệp
Phơi nhiễm nghề nghiệp với các dị nguyên hoặc chất nhạy cảm chiếm một tỷ lệ lớn trong nhóm tỷ lệ những người mắc hen phế quản. Khi bệnh nhân trở nên nhạy cảm với một dị nguyên nghề nghiệp, mức độ phơi nhiễm nghề nghiệp gia tăng có thể làm tăng nguy cơ mất kiểm soát hen, tái phát cơn hen cấp tính.
- Một số loại thuốc có thể khiến cơn hen tái phát, hen mất kiểm soát
Thuốc chặn beta, kể cả các thuốc bôi mắt, có thể gây ra co thắt phế quản, thậm chí các cơn hen cấp tính tái phát nghiêm trọng. Aspirin và các thuốc kháng viêm không corticoid khác có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen phế quản.
- Dị nguyên trong nhà
Nhiều bệnh nhân hen phế quản phản ứng với nhiều yếu tố thường gặp trong môi trường sống như mạt nhà, nấm, thú có lông như chó mèo, gián, chuột, nước tẩy rửa... Tránh hoàn toàn những yếu tố này thường rất khó khăn cho bệnh nhân.
Nếu không hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên trong nhà thì người bệnh có thể bị tái phát cơn hen cấp tính.
- Thực đơn thiếu lành mạnh và các loại thực phẩm có hóa chất
Dị ứng thức ăn là một trong những yếu tố làm khởi phát hen, thường gặp hơn ở trẻ nhỏ. Các hóa chất trong thức ăn, có tự nhiên hoặc được cho vào trong quá trình chế biến, cũng có thể là yếu tố kích phát các triệu chứng hen, nhất là khi hen được kiểm soát kém. Sulfite (chất bảo quản thức ăn và thuốc thường gặp được tìm thấy trong các thức ăn như cà chua đã chế biến, tôm, quả khô, bia và rượu vang) thường được cho là gây ra các đợt kịch phát hen nghiêm trọng.
- Căng thẳng do xúc động
Căng thẳng do xúc động cũng có thể làm tái phát các đợt hen cấp tính ở người lớn và trẻ nhỏ. Thông khí quá mức đi kèm với cười, khóc, giận dữ hoặc sợ hãi có thể khiến cho đường thở co hẹp lại.
- Thay đổi thời tiết
Đối với một số người bị bệnh hen thì thời tiết thay đổi là một trong những yếu tố làm cơn hen cấp tính đột ngột tái phát. Vì vậy, hãy theo dõi thời tiết thường xuyên để chuẩn bị trang phục hợp lý khi đi ra ngoài. Nếu phải đi ra ngoài khi trời lạnh, hãy mặc đủ ấm, đội mũ, quàng khăn và mang khẩu trang sẽ giúp tránh hít phải khói, bụi và các mùi khó chịu. Khi về nhà, nên rửa sạch mặt, chân tay và súc miệng. Dùng máy làm ẩm không khí để cho không khí phòng không bị khô.
- Bội nhiễm đường hô hấp
Khi bị bội nhiễm đường hô hấp trên như viêm họng, cúm… có thể khiến người có tiền sử mắc hen bị tái phát các cơn hen cấp tính. Người bệnh nên điều trị sớm khi bị bội nhiễm và nên tiêm phòng cúm hàng năm.
- Chỉ dùng thuốc khi lên cơn hen
Nhiều người bị hen có xu hướng ngừng uống thuốc dự phòng hàng ngày khi họ cảm thấy hơn, tuy nhiên đây là lý do khiến bệnh hen với các các cơn cấp tính tái đi tái lại. Thuốc ngừa cơn hen phải được dùng hàng ngày kể cả khi không còn triệu chứng và ít nhất là 3 đến 6 tháng. Nếu người bệnh tự ý ngừng thuốc dự phòng, lạm dụng thuốc cắt cơn hen cấp tính thì cơn hen có thể tiến triển trầm trọng hơn, thuốc cắt cơn sẽ dễ bị “nhờn” thuốc, phải tăng liều theo thời gian.
- Sử dụng thuốc dự phòng hen sai cách
Thuốc xịt dự phòng hen dạng xịt hít phải dùng đúng cách để thuốc đến được phế quản, khí quản. Tuy nhiên, thực tế nhiều bệnh nhân chỉ há mồm, xịt thuốc chưa đủ sâu. Khi xịt thuốc người bệnh phải thở ra hết, ngậm miệng xung quanh ống xịt, bắt đầu hít vào thì phun thuốc. Nhưng nhiều người lại bấm chậm, hít vào gần hết mới bấm, hoặc khi thở ra mới bấm làm giảm lượng thuốc hít vào. Thậm chí nhiều người còn quên cả việc trước khi xịt phải lắc đều lọ thuốc. Việc dùng thuốc xịt dự phòng không đúng cách vừa giảm tác dụng vừa có nguy cơ gây viêm họng, nấm họng…
Làm gì khi cơn hen phế quản tái phát
Thuốc điều trị hen phế quản được chia thành 3 loại chính:
- Thuốc kiểm soát hen: là các thuốc dùng duy trì để điều trị bệnh hen giúp làm giảm nguy cơ đợt cấp và sụt giảm chức năng hô hấp nhờ tác dụng giảm tình trạng viêm đường thở.
- Thuốc cắt cơn hen: là các thuốc chỉ dùng để cắt cơn hen và giảm triệu chứng, khi bệnh nhân có cơn khó thở hoặc đợt cấp hen. Giảm nhu cầu hoặc không cần dùng thuốc cắt cơn hen là mục tiêu quan trọng của điều trị hen.
- Thuốc điều trị phối hợp đối với hen nặng: đây là các thuốc được xem xét khi bệnh nhân có triệu chứng hen dai dẳng và/hoặc vẫn còn đợt cấp dù đã tối ưu hóa điều trị bằng liều cao ICS/LABA và đã phòng tránh các yếu tố nguy cơ.
Khi người bệnh bị lên cơn hen cấp tính thì việc đầu tiên cần làm chính là xử trí cơn hen đúng cách để tránh các trường hợp nguy hiểm.
Nếu mức độ cơn hen phế quản nhẹ hoặc vừa (các triệu chứng chỉ có khi hoạt động, khi gắng sức) người bệnh có thể xử trí hen phế quản bằng cách: Dùng ngay thuốc dãn phế quản tác dụng nhanh (phổ biến nhất là Salbutamol dạng hít, xịt) theo hướng dẫn:
- Xịt họng 1-2 nhát
Nếu bệnh nhân không thể tự sử dụng đúng cách bình xịt được (thường là trẻ em, người lớn tuổi) thì nên dùng buồng đệm hay sử dụng máy phun khí (ví dụ Salbutamol 2,5 – 5 mg/lần). Tiếp theo nên nới lỏng quần áo và ngồi yên trong một giờ và theo dõi xem có dễ thở hơn không? Có giảm khò khè? Có giảm ho? Có bớt nặng ngực không?
- 20 phút sau, nếu vẫn không giảm thì lặp lại lần 2 (2 nhát/lần)
- 20 phút vẫn không giảm thì xử trí như cơn hen phế quản nặng.
Nếu cơn hen phế quản nặng (các triệu chứng không giảm hoặc nặng hơn sau khi hít thuốc dãn phế quản, khó thở cả khi nghỉ ngơi, không thể nói hết câu) thì ngay lập tức gọi điện ngay cho bác sĩ hoặc đi đến bệnh viện, trong khi đó vẫn tiếp tục xịt 2 liều thuốc dãn phế quản và uống 1 liều thuốc corticoid.
Nếu cơn hen phế quản là rất nặng (tím môi, lú lẫn, tháo mồ hôi, không thể đứng, không thể nói): gọi ngay cấp cứu, uống ngay corticoid + xịt 2 liều thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh.
Nếu điều trị kiểm soát hen lâu dài thì quan trọng nhất là dùng thuốc dự phòng còn nếu xử trí các cơn hen cấp tính tái phát thì điều quan trọng nhất mà bệnh nhân cần nhớ là phải mang theo thuốc cắt cơn dạng ống hít bên mình mọi lúc mọi nơi để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Thuốc cắt cơn
Có tác động nhanh để mở rộng đường thở làm người bệnh dễ thở ngay lập tức
|
Loại thuốc
|
Ví dụ
|
Tác dụng phụ có thể có
|
Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn
-Lãm giãn các cơ siết chặt quanh đường thở.
-Cắt cơn khi cơn đã bắt đầu
|
Thuốc hít: Salbutamol, terbutaline, pirbuterol, ipratropium phối hợp với salbutamol
|
Run chân tay, dễ bị kích thích, chóng mặt, tim đập nhanh.
|
Kháng giao cảm (không được dùng một mình để cắt cơn)
-Làm giãn các cơ siết chặt quanh đường thở.
-Tác động chậm hơn thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn
-Có thể dùng chung với các thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn
|
Thuốc hít: ipratropium
|
Có thể gây khô miệng. Nếu bay vào mắt, mắt có thể nhìn mờ.
|
Thông tin về các thuốc hen phế quản cấp tính thường gặp
Kiểm soát hen bằng thuốc dự phòng để hạn chế cơn hen tái phát
Các thuốc dự phòng hen phế quản có chứa corticoid (ICS), có tác dụng CHỐNG VIÊM mạnh. Mặc dù thuốc dự phòng hen phế quản không có tác dụng giúp người bệnh dễ thở NGAY LẬP TỨC khi người bệnh lên cơn hen cấp tính nhưng việc sử dụng thuốc dự phòng hen phế quản đều đặn theo chỉ định của bác sĩ có vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị hen phế quản do:
- Thuốc ức chế viêm và phù nề đường thở ngay cả khi không có các triệu chứng của cơn hen phế quản cấp tính, giúp dự phòng cơn hen không tái phát trong tương lai, giảm được tần suất xuất hiện cơn hen phế quản cấp tính. Bản chất của hen là bệnh mạn tính với tình trạng viêm mạn tính đường thở là thường trực ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng.
- Khi được dùng đều đặn và đúng kỹ thuật thì thuốc dự phòng hen phế quản sẽ làm cho đường thở trở nên ít nhạy cảm hơn với các tác nhân gây dị ứng có trong môi trường. Nghĩa là người bệnh hen phế quản sẽ hạn chế lên cơn hen cấp tính ngay cả khi tiếp xúc với các tác nhân vốn có thể gây cơn hen cho người bệnh.
- Trong cơn hen cấp tính, thuốc dự phòng hen phế quản vẫn có tác dụng làm giảm phù nề đường thở, giúp các thuốc giãn phế quản tới được đường thở và phát huy tác dụng tốt hơn.
Thuốc dự phòng giúp kiểm soát bệnh, giảm nguy cơ lên cơn, chỉ có hiệu quả nếu dùng đều đặn hàng ngày.
Lưu ý: Các thuốc này không cắt được cơn khi cơn đã bắt đầu
|
Loại thuốc
|
Ví dụ
|
Tác dụng phụ có thể có
|
Thuốc giãn phế quản tác dụng dài
-Có thời gian tác dụng kéo dài hơn (12giờ) nhưng tác dụng chậm hơn so với thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn
-Giúp phòng tránh các cơn hen ban đêm hay cơn hen đột ngột
|
Thuốc hít: salmeterol
Thuốc uống: theophylline
|
Nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, dễ bị kích thích, tim đập nhanh, buồn nôn
|
Corticoid kháng viêm:
-Kháng viêm
-Bảo vệ đường thở chống lại các chất kích thích & dị nguyên
-Dạng hít thường được dùng hơn dạng uống.
|
Thuốc hít: beclomethasone, fluticasone, budesonide.
Thuốc uống: prednisone, methylprednisolone, prednisolone.
|
Thuốc hít: khàn tiếng, khô miệng, nấm miệng, nhức đầu…
Thuốc uống: Mụn trứng cá, tăng cân, thay đổi tính khí, cao huyết áp, xuất huyết dạ dày.
|
Các kháng viêm khác
|
Thuốc hít: Cromolyn, nedocromil
|
Khô họng, buồn nôn, với một số người có vị khó chịu
|
Kháng leucotriene
|
Thuốc uống: Zafirlukast, montelukast
|
Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.
|
Thông tin về các thuốc dự phòng hen phế quản thường gặp
Để đạt được hiệu quả dự phòng và kiểm soát hen phế quản tốt nhất bằng thuốc dự phòng, người bệnh nên cân nhắc một số vấn đề sau:
- Trao đổi thường xuyên với bác sĩ về tình trạng bệnh và yêu cầu bác sĩ chỉ định thuốc dự phòng trong phác đồ điều trị hen: Theo cập nhật mới nhất của GINA (sáng kiến hen toàn cầu), hướng dẫn điều trị hen của Bộ Y tế (ban hành tháng 4/2020) thì khi người bệnh đã được chẩn đoán mắc hen phế quản thì phải dùng thuốc dự phòng hen kết hợp với thuốc cắt cơn và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên. Kể cả ở bậc hen nhẹ, việc dự phòng hen bằng thuốc chống viêm có tác dụng kéo dài là bắt buộc trong phác đồ điều trị ở mọi cơ sở y tế. Khi đã được chỉ định điều trị bằng thuốc dự phòng và cắt cơn, hãy ghi chép lại nhật ký điều trị, xây dựng kế hoạch hành động hen và trao đổi với bác sĩ thường xuyên theo lịch hẹn. Tùy theo tình trạng kiểm soát hen của bạn mà bác sĩ có thể sẽ thay đổi, điều chỉnh loại thuốc dự phòng hen phế quản phù hợp sau khi đánh giá mức độ điều trị.
- Giữ thói quen sử dụng thuốc dự phòng hen phế quản đều đặn, đúng giờ, đúng liều đã được bác sĩ kê: Dùng thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe, không có triệu chứng gì của hen phế quản, không có triệu chứng của cơn hen cấp tính. Điều này là rất quan trọng, vì tác dụng bảo vệ của thuốc dự phòng cần thời gian để phát huy tác dụng. Nếu bạn ngừng dùng thuốc vài ngày liên tục, tác dụng bảo vệ sẽ mất đi.
- Sử dụng thuốc đúng kỹ thuật: Thuốc dự phòng thường được bào chế dạng xịt và hít, kỹ thuật xịt hít đúng kỹ thuật là yếu tố rất quan trọng để thuốc dự phòng hen vào được đến vị trí cần phát huy tác dụng mà không phải đọng lại trong miệng gây tác dụng phụ không mong muốn.
Tóm lại, để ngăn ngừa hen phế quản tái phát khi giao mùa, trước hết, người bệnh nên đánh giá các yếu tố liên quan đến điều trị; Biết cách xử trí nếu cơn hen cấp tính đột ngột tái phát; và quan trọng nhất là cần nắm vững kiến thức về điều trị dự phòng để ngăn ngừa việc cơn hen tái phát trong tương lai. Nếu người bệnh còn cần xịt thuốc cắt cơn trên 2 lần/tuần, có thể là dấu hiệu của hen phế quản chưa được kiểm soát tốt bởi thuốc dự phòng. Người bệnh nên đi khám bác sỹ ngay để đánh giá lại tình trạng hen phế quản, sử dụng thuốc dự phòng hoặc thay đổi thuốc dự phòng đang sử dụng.
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn