Đã có trường hợp bệnh hen phế quản ở miền Bắc khi chuyển vào miền Nam sinh sống thì khỏi bệnh hen. Tuy nhiên, điều này có đúng với đa số các bệnh nhân hen? Cùng tham khảo ý kiến của chuyên gia.
Hen khởi phát và diễn tiến có liên quan đến môi trường sống
Theo PGS.TS. BSCK2 Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, mặc dù có một số người bệnh hen ở miền Bắc chuyển vào miền Nam thì khỏi hen phế quản, nhưng không phải tất cả những người bệnh hen cứ chuyển vào miền Nam sinh sống là hết bệnh hen.
Hen phế quản ảnh hưởng bởi các yếu tố có trong môi trường sống. Ảnh minh họa
"Thực tế, một số người bệnh hen sinh sống ở miền Bắc khi chuyển vào miền Nam đã khỏi bệnh hen có lẽ là do những người này bị hen dị ứng với một dị nguyên nào đó trong môi trường sống hoặc nghề nghiệp, khi chuyển vùng thì họ không còn tiếp xúc với dị nguyên đã gây bệnh hen nên họ đã khỏi bệnh"- PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn còn cho biết, khí hậu miền Nam khá ổn định, không rét, độ ẩm không khí không cao nên yếu tố khởi phát cơn hen cũng bớt đi khiến bệnh nhân hen sống ở miền Bắc đang bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khởi phát đó nay không gặp nên bệnh hen cũng đỡ hơn.
Về bản chất, hen phế quản được cho là một bệnh lý đa dạng, sự bắt đầu và kéo dài của bệnh là do các tương tác gen-môi trường. Tiếp xúc thường xuyên với môi trường sống có nhiều tác nhân gây kích ứng có thể là nguyên nhân khiến bệnh khởi phát và kéo dài.
Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên trong môi trường sống
Tuy hen là bệnh không thể điều trị dứt được nhưng có thể kiểm soát được. Kiểm soát hen tốt để đảm bảo chất lượng cuộc sống, phòng ngừa các cơn hen nặng, giảm triệu chứng mạn tính giữa các cơn hen và duy trì các hoạt động xã hội bình thường. Việc cần làm đầu tiên là hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây khởi phát hen gồm:
+ Tránh dị nguyên từ vật nuôi: Dị nguyên từ vật nuôi tồn tại trong nhà 3 tháng sau khi đã loại bỏ chúng khỏi nhà. Các dị nguyên vật nuôi thường ở trong nước tiểu, nước bọt, lông và vảy da.
Để tránh dị nguyên từ vật nuôi, người bị hen cần không cho vẹt, chó, mèo vào trong nhà, đặc biệt là phòng ngủ; Không gần, ôm, vuốt ve và ngủ cùng chó, mèo…
+ Tránh dị nguyên từ bụi nhà: Bọ nhà là thành phần chủ yếu trong bụi nhà gây bệnh hen và dị ứng, nó có ở khắp nơi, đặc biệt trong các gia đình sử dụng lò sưởi trung tâm, thảm trải sàn. Điều kiện tốt cho bọ nhà phát triển là nhiệt độ 25-30 độ C, độ ẩm 70-80%.
+ Tránh dị nguyên từ thuốc lá: Khói thuốc lá là yếu tố khởi phát hen thường thấy ở mọi lứa tuổi. Người ta đã chứng minh những trẻ em có mẹ hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai có nguy cơ mắc hen cao hơn những trẻ em có mẹ không hút thuốc. Mẹ hút thuốc trong thời kỳ trước sinh làm cho nồng độ kháng thể dị ứng (IgE) trong dây rốn cao hơn.
+ Tránh dị nguyên phấn hoa: Mùa hoa nở, mỗi khóm hoa tung ra không trung hàng chục triệu đến hàng tỉ hạt phấn hoa. Đó chính là dị nguyên gây nhiều bệnh dị ứng, hen, viêm mũi dị ứng, sốt mùa, viêm kết mạc mùa Xuân…
Ngoài ra để kiểm soát hen, người bệnh cần:
- Biết theo dõi mức độ nặng bệnh hen của mình qua thay đổi triệu chứng hen bằng cảm nhận hoặc bằng đo PEF.
- Bệnh nhân cần phải biết khi nào tăng bước điều trị, khi nào đi cấp cứu.
- Kế hoạch tự chăm sóc chu đáo bản thân.
- Thực hiện đúng y lệnh, chế độ ăn và kỹ thuật hít, xịt thuốc
- Sử dụng thuốc dự phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo Sức khỏe đời sống
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn