Trước đây, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân hen phế quản không nên chơi thể thao để tránh lên cơn bất ngờ. Tuy nhiên, theo quan điểm mới, người mắc bệnh này vẫn có thể tập luyện vừa phải với sự hướng dẫn của chuyên gia.
Theo các chuyên gia Pháp, có khoảng 10% học sinh phổ thông bị hen phế quản và điều này đã cản trở các em đến với môn thể thao mà mình yêu thích. Thực ra, bệnh nhân bị hen phế quản không cần phải chịu thiệt thòi đến thế.
Ở bệnh viện Necker (Pháp) có một trung tâm chuyên giúp những trẻ em bị một chứng bệnh nào đó đến được với thể thao. Nhiều em bị hen phế quản đến đây tập luyện và việc chơi thể thao đã góp phần đẩy lùi bệnh hen. Ê kíp chuyên gia ở trung tâm gồm có bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia thể thao, nhà tâm lý học, điều dưỡng, kỹ thuật viên... Họ tư vấn cho các em mọi vấn đề cần thiết. Trung tâm đón nhận trẻ 8-15 tuổi bị chứng hen phế quản. Để đảm bảo sự lưu thông của đường hô hấp, bệnh nhân hen phải dùng thuốc giãn phế quản hằng ngày và không được làm việc gắng sức để tránh thiếu hụt thông khí. Tuy nhiên, việc thường xuyên tập luyện thể thao sẽ giúp cho đường thở thích nghi dần và góp phần hạn chế các cơn co thắt phế quản.
Môn thể thao không thích hợp cho bệnh nhân hen phế quản là môn lặn vì bệnh nhân không thể nào uống thuốc dưới nước khi bị lên
cơn hen cấp. Hơn nữa, không khí trong các bình chứa khí thường lạnh và khô, không thuận lợi cho người bị hen.
Các môn thể thao thích hợp cho bệnh nhân hen phế quản là: quần vợt, cầu lông, bơi lội.
Những môn thể thao có thể gây biến chứng nguy hiểm là bóng rổ, bóng chày, đua xe đạp cự ly dài, bóng đá, trượt băng nghệ thuật.
Trong tập luyện, vấn đề quan trọng là bệnh nhân yêu thích môn thể thao nào và có khả năng chịu đựng đến đâu. Để biết được điều này, họ phải qua một cuộc thăm khám và thử nghiệm, các chuyên gia sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh, xem bệnh nhân yêu thích môn thể thao nào; từ đó sẽ chọn môn thể thao thích hợp với thể trạng bệnh nhân. Các chuyên gia sẽ xem xét mức độ ổn định của bệnh hen với sự gắng sức tối đa trong khi chơi môn thể thao đó. Nếu cần thiết, họ sẽ điều trị bệnh ổn định trước khi cho phép bệnh nhân bắt đầu tập luyện.
Để giảm thiểu sự xuất hiện đột ngột cơn co thắt phế quản, 10-15 phút trước khi khởi động môn thể thao, người bệnh được dùng một thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn để bảo vệ an toàn trong vòng 2 giờ. Họ bắt đầu tập luyện và kết thúc hoạt động thể thao một cách từ từ. Người chơi phải tập thở theo hướng dẫn để giúp cơ thể chủ động kiểm soát hô hấp của mình. Các bạn trẻ phải tập thở bằng lồng ngực và điều hòa nhịp thở. Giai đoạn làm nóng cơ thể được chia làm 2 phần: chạy chậm 1- 2 phút, sau đó đi bộ hoặc chạy nhanh với thời gian từ 20-30 giây rồi thở đều từ 1-2 phút. Khi muốn ngưng, cần ngừng tập một cách chậm rãi để tránh bị lên cơn hen cấp.
Sau những cố gắng khi chơi thể thao, người tập nên thở đều để bù lại sự mất cân bằng khi hoạt động. Trong khi chơi thể thao, nên luôn mang theo một lọ
thuốc xịt giãn phế quản để phòng khi lên cơn. Nếu làm việc trong sự thoải mái, cường độ dưới mức tối đa thì bệnh nhân sẽ không bao giờ bị “hụt hơi”, và sau đó khả năng hít thở sẽ ngày một tốt hơn. Nên chú ý đến thời tiết, tránh chơi thể thao trong tiết trời lạnh và khô hay trong thời kỳ giao thời giữa các mùa.
Trước khi bắt đầu mỗi buổi tập, cần kiểm tra đỉnh điểm của sự hô hấp. Người ta sẽ đặt máy đo nhịp tim cho người tập trong trạng thái tĩnh vì hơi thở sẽ làm giảm nhịp tim. Trong buổi tập kéo dài, việc kiểm soát nhịp tim rất quan trọng vì sự gắng sức quá mức sẽ làm cơ thể bị kiệt sức.
Qua theo dõi và hướng dẫn tại trung tâm kể trên, các chuyên gia nhận thấy họ chỉ gặp khó khăn trong việc theo dõi sát ở vài buổi tập đầu tiên, sau đó thì mọi chuyện đều ổn thỏa. Sau khoảng 2-3 tháng luyện tập tại trung tâm, khả năng lên cơn co thắt phế quản của bệnh nhân hen giảm dần dù không dùng thuốc, một số trường hợp còn giúp kiểm soát tốt cơn hen và đẩy lùi các cơn cấp tính.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn