Trong nhi khoa, máy khí dung hô hấp được sử dụng khá phổ biến cho trẻ. Các chỉ định chính bao gồm: trẻ có cơn hen cấp tính, suy hô hấp, thở rít thanh quản, trẻ không có khả năng sử dụng bình xịt định liều, thuốc cần dùng chưa có dạng bình xịt định liều...
Một cách dùng thuốc qua đường hô hấp là dùng máy phun khí dung. Máy phun khí dung là máy đưa thuốc vào cơ thể dưới dạng những hạt sương nhỏ li ti. Các hạt này sẽ theo hơi thở vào các hốc mũi xoang, được hít thẳng vào phế quản, phổi và tạo tác dụng tại đây. Máy phun khí dung được sử dụng để điều trị các bệnh lý cấp hoặc mạn tính như:
hen suyễn,
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm mũi - họng, viêm thanh quản,
viêm phế quản, viêm mũi xoang dị ứng.
Dùng thuốc bằng đường hít tức dùng máy khí dung có ưu điểm là hạn chế được những tác dụng phụ toàn thân của thuốc, nhất là với các thuốc có nguồn gốc
corticoid. Ngoài ra, dùng các thuốc giãn phế quản bằng đường hít cũng làm giảm bớt phần nào những tác dụng phụ thường có khi uống hoặc tiêm như run tay, hồi hộp, nhịp tim nhanh.
Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc khác nhau bằng đường hít. Trong viêm mũi - xoang - họng dị ứng bị hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi... thì thường dùng thuốc khí dung loại corticoid. Nếu có nhiễm khuẩn, bội nhiễm có thể sẽ phải phối hợp thêm kháng sinh. Những trường hợp bị co thắt khí quản, phế quản trong
viêm phế quản cấp, bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... người ta cũng dùng khí dung thuốc làm giãn phế quản, giúp bệnh nhân dễ thở.
Những điều cần lưu ý
Khi sử dụng máy phun khí dung phải tuân thủ cách pha thuốc vì nếu pha không đúng liều lượng hoặc quá loãng hay quá đặc, các hạt phun sương không đúng kích thước sẽ không tác dụng vào bên trong phế quản, hoặc lơ lửng bám vào thành họng, không kịp xuống đến các phế quản.
Mỗi máy phun khí dung đều có kèm mặt nạ hoặc ống ngậm. Có thể dùng 1 trong 2 loại dụng cụ trên, nhưng cần biết rằng dùng ống ngậm thì lượng thuốc đến phổi sẽ nhiều hơn khi dùng mặt nạ. Tuy nhiên, việc sử dụng ống ngậm đòi hỏi phải có sự hợp tác tốt của người bệnh, do đó không nên dùng ống ngậm cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Nên lưu ý, phải đảm bảo vệ sinh cho máy phun khí dung, sử dụng dây và mặt nạ riêng và sau mỗi lần xông phải được rửa bằng dung dịch sát trùng nếu muốn sử dụng lại.
Nhiều cha mẹ tin rằng khi khóc trẻ thở sâu hơn và do đó sẽ hít được nhiều thuốc hơn từ máy khí dung hô hấp. Thực tế hoàn toàn khác, khóc là nhịp thở ra kéo dài, sau nhịp thở ra này trẻ hít vào rất nhanh để lấy hơi, vì vậy hầu như chẳng có chút thuốc nào vào được phổi nếu trẻ khóc trong khi thực hiện liệu pháp khí dung.
Có 3 việc sau cần làm
Chọn thời điểm khí dung thích hợp:
Thời điểm thích hợp nhất để khí dung trẻ dưới 2 tuổi là khi trẻ đang ngủ hay tại thời điểm yên tĩnh trong ngày. Tránh thời gian ngay trước hoặc ngay sau bữa ăn hoặc thời điểm có quá nhiều hoạt động trong gia đình.
Có thể cho bé xem truyện tranh, đặt trẻ vào lòng và cùng trẻ chơi một trò chơi trong thời gian khí dung.
Chọn mặt nạ kích thước phù hợp:
Mặt nạ phải có kích thước phù hợp và được đặt ngay ngắn trên mặt bệnh nhi, nếu không phần lớn các giọt sương gọi là khí dung sẽ không đi vào mũi hay đường thở. Nếu có thể thì nên sử dụng ống thở miệng thay cho mặt nạ khi khí dung kháng sinh hoặc corticoid để đề phòng thuốc thoát ra không khí, đồng thời giảm thiểu lượng thuốc lắng đọng ở mặt của trẻ.
Kiểm tra loại thuốc và liều lượng thuốc trước khi khí dung:
Trẻ nên được khám và sử dụng thuốc khí dung theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Cũng như, luôn đọc kỹ tên thuốc và chỉ sử dụng loại thuốc cũng như liều thuốc mà bác sĩ chỉ định.
Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khí dung là các thuốc corticoid hay kháng sinh. Nếu dùng không đúng, không những không hết bệnh, mà còn làm cho bệnh trầm trọng hơn. Ngay cả khí dung
thuốc giãn phế quản, tuy giúp trẻ đang bị suyễn dễ thở hơn nhưng nếu dùng nhiều lần quá hoặc liều cao sẽ làm trẻ kích thích, tim đập nhanh, run tay chân…
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn