Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3
Ý kiến chuyên gia

PGS. TS Lê Thị Tuyết Lan trả lời 33 câu hỏi thường gặp nhất về hen phế quản


Dưới đây là giải đáp của Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP HCM về những boăn khoăn thường gặp nhất về hen phế quản, những lưu ý trong điều trị hen phế quản được đăng trên Vnexpress, các bậc phụ huynh có thể tham khảo để có thêm kiến thức về hen phế quản. 
 
 
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan,
Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP HCM
 
Ở tuổi nào thường gặp phải trường hợp hen và hen có lây không ạ? Đây có phải là bệnh di truyền không bác sĩ? Vì bà của em cũng bị hen nhiều năm.
(Nguyễn Ngọc Nga, 25 tuổi, Hà Nội)
 
Chào bạn,
 
Hen là một bệnh có yếu tố di truyền. Phải có một thời gian để các phản ứng miễn dịch gây hen xảy ra. Nếu các triệu chứng khò khè xảy ra sớm quá thì người ta sẽ nghĩ nhiều đến các bất thường bẩm sinh hơn là hen. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bệnh này không lây.
 
Bác cho cháu hỏi về phế quản thể hen có điều trị dứt điểm được không ạ. Con gái tôi năm nay đã được 6 tuổi nhưng cháu bị bệnh từ khi tròn 1 tuổi, mỗi khi thời tiết thay đổi cháu lại bị ho, khó thở.
(Dang thi thu thuy, 35 tuổi)
 
Bây giờ người ta không gọi viêm phế quản thể hen nữa mà người ta gọi là hen. Bây giờ cháu đã 6 tuổi, vẫn phải làm một chẩn đoán để phân bậc điều trị. Hiện giờ người ta vẫn chưa chữa dứt được bệnh hen. Đối với trẻ con trước tuổi dậy thì người ta thử ngưng điều trị, nếu không bị trở nặng thì cho ngưng điều trị luôn nhưng vẫn tái khám hàng năm.
 
Đối thiếu niên, người lớn, bệnh hen vẫn tái phát và phải dùng thuốc corticoid dạng hít để điều trị.
 
Điều trị hen không dứt điểm nhưng có thể kiểm soát hen được để bệnh nhân không bị ho, đờm và tránh những hậu quả xấu trong tương lai.
 
Tại sao hen lại được xem là bệnh mạn tính? Có cách nào chữa dứt điểm bệnh hen hay không?
(Phạm Phương Khanh)
Chào bạn,
 
Vì không thể chữa dứt được nên hen được xem là một bệnh mạn tính. Hiện hen được chữa trên cơ chế là đường thở bị viêm và điều trị viêm. Dù không thể chữa dứt điểm, nhưng bệnh hen nếu điều trị tốt, người bệnh vẫn sống một cuộc đời bình thường.
 
Trẻ em dưới 5 tuổi bị hen có thể điều trị khỏi hẳn khi lớn được không bác sĩ? Phương pháp ngăn ngừa hen hiệu quả có phải là dùng singulair không ạ. Dùng thuốc này có tác dụng phụ không ạ?
 
(Binh Quan, 61 tuổi)
 
Theo nghiên cứu, trong 4 đứa trẻ được ngưng điều trị thì có một em sẽ dứt được bệnh hen suốt đời, hai em bị tái phát còn một em thì không thể ngưng điều trị được.
 
Về cách điều trị thì hiện nay bác sĩ phân thành 5 bậc điều trị, thuốc điều trị phổ biến nhất cho bệnh hen là corticosteroid. Thuốc singulair là một dạng để điều trị hen nhưng yếu hơn, nó rất ít tác dụng phụ. Bạn nên đưa con tới bác sĩ khám để được tư vấn cụ thể.
 
Con gái tôi năm nay 9 tuổi, cháu đã điều trị bệnh hen theo định kỳ tại Viện nhi Trung ương, nhưng năm nào cũng vậy, vào mùa đông xuân, cháu lại lên cơn nhiều lần, còn mùa hè thì đỡ. Tôi muốn hỏi bác sĩ là mặc dù có dùng thuốc dự phòng, nhưng cháu vẫn cứ lên cơn và mỗi lần như vậy lại dùng thuốc có corticoid. Điều này về lâu dài sẽ để lại hậu quả gì cho cháu?
 
(Từ thu thanh, 38 tuổi)
 
Chào bạn,
 
Nếu điều trị mà vẫn lên cơn thì phải xem lại về kỹ thuật hút thuốc hen của cháu có đúng không, có bệnh lý gì đi kèm không, có tránh các yếu tố kích phát (mùa đông lạnh, di nguyên, cảm cúm...).
 
Nếu 3 điều trên cháu tuân thủ tốt thì phải tăng bậc điều trị. Việc cháu lên cơn phải dùng corticoid toàn thân là không tốt. Vì điều trị hen tốt thì cháu sẽ không lên cơn. Corticoid toàn thân đem lại nhiều tác dụng phụ. Cách điều trị hiện nay chỉ cần dùng corticoid đưa thẳng vào phổi, không để bệnh nhân lên cơn. Bạn nên cho cháu chích ngừa cảm cúm nếu cháu không có dị ứng với trứng gà, thịt gà, neomycine, formaldehyde.
 
Chào bác sĩ, xin cho tôi hỏi, tôi cười nhiều cũng cảm thấy mệt, hít bụi, ví dụ như quét mạng nhện nhà thì đêm hôm đó tôi phải ngủ ngồi do nằm ngủ rất khó hít thở. Như vậy có phải tôi bị hen không? Xin cảm ơn!
 
(Lê thị ngọc mỵ, 32 tuổi, 2665/13/1a-kp7-p.tân hưng thuận -q12)
Chào bạn,
 
Các triệu chứng cơ bản nhất của hen là ho, khò khè và khó thở. Tất cả những triệu chứng bạn nói có một số triệu chứng của bệnh hen. Đây là những yếu tố kích phát đến bệnh hen. Nhưng để có câu trả lời chính xác, bạn nên gặp bác sĩ để khám lâm sàng, làm hô hấp ký có test dạng phế quản để chuẩn đoán chính xác.
 
Cháu tôi đã 12 tuổi và bị hen từ nhỏ. Đã uống nhiều loại thuốc Tây, Đông y nhưng vẫn không hết bệnh. Khi lên cơn ho dữ dội phải vào viện chích thuốc mới cắt cơn nhưng sau đó lại tái phát. Xin bác sĩ tư vấn cách điều trị cụ thể?
 
(bùi quang liên, 57 tuổi, Lăk, Đăk Lăk)
Chào bạn.
 
Điều trị hen bây giờ đã có phương pháp hiệu quả, người ta có thể kiểm soát được cơn ho. Bạn nên đưa cháu đến trung tâm y tế chuyên điều trị về hen để xác định lại chẩn đoán và phân bậc điều trị và đồng thời tìm xem có bệnh lý gì đi cùng không. Bạn cũng cần nhớ ngoài việc điều trị bằng thuốc thì bệnh nhân cần phải tránh các yếu tố kích phát cơn hơn (thức ăn gây dị ứng, bệnh cảm cúm, xúc động...)
 
Kỹ thuật hít thuốc điều trị bệnh hen cũng phải làm đúng để đạt hiệu quả điều trị.
 
Nếu con tôi bị ho mà tôi lại muốn cho con đi bơi mùa hè thì cần phải làm gì để phòng tránh bệnh ho, hen cho cháu?
(Huong, 35 tuổi, Hà Nội)
 
Chào Hương,
 
Bơi tốt cho sức khỏe vì có độ ẩm trong không khí, nếu được bơi ở biển là tốt nhất. Còn khi cho cháu bơi trong các hồ, chất clo dùng tẩy trùng nếu nồng độ cao thì khi gặp mồ hôi hay nước tiểu lại tạo thành chất độc, có thể gây cơn suyễn.
 
Tôi vẫn khuyến khích bạn cho cháu bơi, nhưng cần lưu ý là phải khởi động tốt, mang thuốc cấp cứu theo, báo với người huấn luyện rằng cháu đang bị hen để họ cảnh giác hơn. Bạn cũng không nên cho cháu bơi quá lâu, cần chọn một hồ bơi sạch.
 
Theo tôi được biết thì bệnh hen là bệnh di truyền, không lây. Gia đình tôi không ai bị bệnh này nhưng tôi vẫn bị từ lúc 2 tuổi. Vậy là sao thưa bác sĩ.
 
(pham, 55 tuổi, Randalstone DR tx USA)
 
Hiện nay, vẫn có những người không có tiền căn hay bệnh sử gia đình về bệnh hen. Có nhiều yếu tố gây khởi phát hen, thường là bị nhiễm trùng đường hô hấp từ nhỏ, thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố hen như khói thuốc lá, khói củi, con mạt nhà...
 
Ở những thành phố đang xây dựng, phát triển, người ta cũng thấy tỷ lệ người mắc bệnh hen cao do ô nhiễm không khí. Hoặc do tình trạng trái đất nóng hơn,  các dị nguyên hoạt động mạnh khiến nhiều người bị bệnh này. Do vậy, mới có tình trạng gia đình hai bên nội ngoại không ai bị bệnh hen nhưng vẫn mang bệnh.
 
Mẹ tôi 62 tuổi, thường hay khó thở, ho nhiều thì có phải dấu hiệu của hen không bác sĩ. Với trường hợp này tôi phải dẫn mẹ đi khám ở đâu và phòng tạm thời tại nhà thế nào?
 
(Thu Thủy, 32 tuổi, TP HCM)
Chào Thủy,
 
Nếu tình trạng của mẹ em là khó thở, ho nhiều thì nên cho mẹ đến các bệnh viện có khoa hô hấp để thăm khám. Các bác sĩ sẽ chụp phim phổi để loại trừ lao phổi và các bệnh lý khác. Nếu phim phổi bình thường sẽ cho làm hô hấp ký để chẩn đoán và tìm nguyên nhân.
 
Cách điều trị tạm thời là em nên giữ ấm cho mẹ, uống nước nóng, mật ong, gừng; không nên dùng thuốc ức chế ho và nên đưa mẹ đi bệnh viện sớm để điều trị kịp thời.
 
Thưa cô Tuyết Lan. Con là nữ, sinh năm 1990, con khởi phát hen suyễn gần 4 năm nay, điều trị hơn 4 tháng ở khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM thì bệnh lui hoàn toàn. Tuy nhiên, cách đây gần 1 năm, sau khi bị cảm cúm nặng kéo dài 3 tuần, con bị tái phát lại. Từ đó cho đến nay con sử dụng thuốc Seretide 25/250 hai liều mỗi ngày vào sáng tối; montelukast nhưng tình hình bệnh vẫn không tốt lên mấy, có những đợt con không nói nổi, cứ nói ra là thấy đau râm ran ở ngực; hoặc như hiện tại thì cứ nói liên tục trong 2 tiếng thì con thấy mệt, đứt hơi. Đôi lúc con ăn trứng, uống sữa xong thì thấy ngực đầy tức, bụng ngay xương ức hơi nhói, rất mệt. Con rất lo lắng không biết hen suyễn đã có ảnh hưởng gì ở thanh quản của con không? Đã được 6 tháng nhưng bệnh con chưa khỏi hẳn thì có nên duy trì liều như vậy hay có thay đổi gì khác?
 
(Đỗ Thanh Thư, 26 tuổi)
 
Cảm cúm là một yếu tố kích thích cơn ho, do vậy sau đợt cảm cúm, bác sĩ phải tăng liều điều trị ngắn ngày.
 
Nếu đã dùng thuốc được 6 tháng nhưng chưa dứt được cơn hen, thì cháu nên quay trở lại bệnh viện thăm khám điều trị cụ thể. Cháu đã 26 tuổi nên không thể chữa dứt điểm được nữa, phải khám và kiểm soát hen thường xuyên.
 
Về thanh quản, có thể do cháu ho nhiều quá có thể bị đau, riêng bệnh hen không ảnh hưởng tới thanh quản. Bệnh nhân hen suyễn dù khỏi hẳn vẫn nên tái khám, không tự ý ngưng điều trị.
 
Một trong những bệnh thường đi kèm hen là trào ngược dạ dày, thực quản, do vậy, cháu cần tới bác sĩ khám và điều trị cụ thể.
 
Nhà cháu có người tiền sử bệnh hen. Cháu đang có bầu, liệu có phương pháp nào để phòng ngừa cho con không bị di truyền không ạ?
 
(Trần Thị Thanh Tâm, 35 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)
Chào Tâm,
 
Để phòng ngừa cho con trẻ, đầu tiên em phải giữ các môi trường cho bà mẹ sạch sẽ. Lưu ý yếu tố kích thích mạnh nhất là khói thuốc lá (chủ động hoặc thụ động đều nguy hiểm). Em nên sinh thường, tránh sinh mổ; giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; luôn giữ ấm cho trẻ.
 
 
Hen có thể nặng hơn do những nguyên nhân nào gây ra ạ? Cách phòng tránh như thế nào thưa bác sĩ. Bệnh này có nguy hiểm đến tính mạng không ạ?
 
(Tùng, 39 tuổi, Hưng Yên)
 
Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh hen nặng hơn, trong đó nặng nhất là những thức ăn dị ứng, ví dụ như hải sản, thịt bò, gà, đậu phụng (lạc) tùy theo thể trạng từng người. Ngoài ra, các hóa chất, mùi nồng gắt, khói, bệnh cảm cúm, nấm mốc, thú có lông, bia rượu, một số loại thuốc... đều có thể khiến bệnh hen nặng hơn.
 
Cách phòng tránh tốt nhất là bạn cần tránh các yếu tố kích phát cơn hen. Hen có thể gây chết người do những đợt kịch phát nặng mà không được cấp cứu kịp thời.
 
Cháu có ông anh họ bị hen, nhiều khi rất nguy hiểm nhưng vì ở quê nên thông tin chưa được cẩn thận lắm. Vậy theo bác, cháu phải chuẩn bị những gì để phòng ngừa cơn hen nguy hiểm tới tính mạng ạ?
 
(Phương Thanh, 35 tuổi, Quảng Ninh)
 
Chào Thanh,
 
Điều trị hen bằng cách ngừa cơn hen chứ không thể đợi lên cơn hen rồi mới cắt. Cháu nên đưa người nhà đến bệnh viện có khoa hô hấp để xác định, chẩn đoán hen, phân bậc điều trị.
 
Bệnh nhân sẽ có hai loại thuốc: thứ nhất là để ngừa cơn dùng hàng ngày và loại thuốc cắt cơn chỉ dùng khi bị lên cơn. Nếu được điều trị tốt thì bệnh nhân sẽ không lên cơn.
 
Bác sĩ cho em hỏi hen phế quản có thể gây biến chứng gì không ạ?
 
(Tuấn, 32 tuổi, Bình Dương)
 
Chào bạn,
 
Hen phế quản nếu được điều trị sớm và đúng cách thì đường thở sẽ giảm viêm và được mở rộng. Nhưng nếu không điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể tắc nghẽn đường thở cố định, không phục hồi được. Do vậy, bệnh nhân sẽ bị khó thở kinh niên, giảm khả năng lao động.
 
Hen phế quản hiện đã có phương pháp điều trị rất hiệu quả nhưng bệnh nhân phải điều trị sớm và đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy cơ tắc nghẽn đường dẫn khí không hồi phục được.
 
Cho em hỏi hen phế quản và hen suyễn có phải là một không? Bệnh nào nặng hơn và cách điều trị ra sao ạ? Bà em 68 tuổi, hen đã nhiều năm mà không hết? Phải làm sao ạ?
 
(Nguyễn Trần Phong, 30 tuổi, Tiền Giang)
 
Chào em,
 
Hai bệnh này là một. Hen phế quản là từ chính thức của Bộ Y tế. Việc điều trị hiện nay sẽ sử dụng corticosteroid dạng hít và có kèm thuốc cấp cứu. Vì có đến 5 bậc suyễn nên việc điều trị phải tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và do bác sĩ quyết định.
 
Nếu hen điều trị không tốt thì nên tìm một bác sĩ ở khoa hô hấp để xác định lại chẩn đoán đúng là có bị hen không. Nếu là hen thì phải xem xét lại việc tuân thủ điều trị (kỹ thuật hít thuốc suyễn có đúng cách và đúng liều không), xem bà có bệnh lý gì đi kèm không, hướng dẫn bà phòng tránh các yếu tố nguy cơ.
 
Cháu nhà em năm nay 7 tuổi, có dấu hiệu của hen phế quản. Bệnh này có ảnh hưởng gì tới sự phát triển và trưởng thành của bé không thưa bác sĩ?
 
(Thu Nguyễn, 38 tuổi, Cà Mau)
 
Chào bạn,
 
Hen phế quản nếu không được điều trị thì làm bé tắc nghẽn đường thở, giới hạn sự phát triển và các hoạt động của cháu. Những đợt kịch phát có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bạn nên đưa cháu đến khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
 
Vì sao bệnh hen thường trở nặng về đêm ạ? Ba em bị hen mà uống thuốc hoài không hết. Đêm về là mệt không ngủ được. Có cách nào trị dứt điểm không thưa bác sĩ?
 
(Trần Ngọc Lam, 35 tuổi, Sài Gòn)
Chào em,
 
Về đêm trời lạnh là yếu tố kích phát cơn hen. Bệnh nhân hen thường phát cơn vào đêm khuya hoặc rạng sáng.
 
Hiện hen không dùng thuốc uống mà chủ yếu là các loại thuốc dạng xịt. Một bệnh nhân hen điều trị tốt thì không còn triệu chứng cả ban ngày lẫn ban đêm
 
Ba em nên đến bác sĩ khoa hô hấp để được hướng dẫn điều trị đúng cách, từ đó giúp tránh những triệu chứng, cũng như nguy cơ bị các đợt kịch phát trong tương lai.
 
Việc điều trị hen, lạm dụng thuốc giãn phế quản có thể gây nguy hiểm về sau này không bác sĩ?
 
(Nguyễn Ngọc, 31 tuổi, Tân Bình, TP HCM)
 
Chào bạn,
 
Hiện nay người ta thường điều trị hen chủ yếu bằng corticosteroid dạng hít, nếu bạn điều trị đúng liều và đúng cách thì không cần dùng thuốc giãn phế quản để cắt cơn nữa.
 
Việc sử dụng thuốc giãn phế quản để cắt cơn, trên hai lần một tuần chứng tỏ bạn chưa kiểm soát tốt bệnh hen suyễn. Thuốc giãn phế quản dùng lâu dài dẫn tới bị lờn thuốc, việc dùng nhiều quá có thể làm bệnh nhân hồi hộp, rung tay, tim đập nhanh mạnh. Nếu điều trị hen chỉ dùng thuốc này có thể dẫn tới kịch phát vì chưa điều trị đúng cơ chế viêm của hen. Do vậy, bệnh nhân nên gặp bác sĩ để được hướng dẫn lại việc điều trị.
 
Bố cháu bị hen phế quản đã 4,5 năm rồi. Giờ ho rất nhiều về đêm, đã điều trị thuốc coticoid thể hít thì đỡ. Sau này có hướng dẫn đến một bác sĩ để tiêm một mũi thì khoảng 6 tháng không bị khó thở và ho nữa. Xin hỏi bác sĩ có loại thuốc đó không? Vì bác sĩ này tiêm nhưng không rõ là loại thuốc gì.
 
(Nguyễn Minh Tuấn, 35 tuổi, Bac giang)
Chào Tuấn,
 
Loại thuốc coticoid dùng ở dạng tiêm hoặc uống sẽ có tác dụng toàn thân. Nếu dùng nhiều lần, bệnh nhân sẽ bị hội chứng cushing: mỏng da, loãng xương, teo cơ, tiểu đường, cao huyết áp, loét dạ dày, cườm mắt, dễ bị lao phổi. Hiện nay, điều trị hen chủ yếu là corticosteroid dạng hít, không nên tiêm cũng không nên uống.
 
Chào bác sĩ. Em thấy với môi trường và thời tiết ở Việt Nam, trẻ bị hen không nhiều, nhưng đã hen thì rất khổ. Cha mẹ có con bị hen nên làm gì để giúp con mình kiểm soát được hen.
 
(Hà Thu Nguyễn, 35 tuổi, Q2_HCM)
Chào bạn,
 
Đối với bệnh hen, tình trạng bệnh thường bị xấu đi khi chuyển mùa hay trời lạnh, đặc biệt vào mùa đông.
 
Ở Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế, có khoảng 10% trẻ em bị hen do thời tiết nóng, ẩm. Đặc biệt, nhu cầu xây dựng nhiều nên ô nhiễm khói khí cũng khiến nhiều người bị hen.
 
Để phòng tránh việc hen bị nặng, bạn phải điều trị đúng cách theo hướng dẫn bác sĩ và tránh các tác nhân khiến bệnh nặng hơn. Cha mẹ phải lưu ý những thức ăn có thể khiến con bị dị ứng như hải sản, thịt bò, gà, cá biển. Phải thường xuyên lau sạch nhà cửa, nên phơi nắng mùng mền mỗi tuần, tránh xa khói, không để thú có lông vào phòng ngủ, giữ ấm không để con bị cảm cúm và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
 
Tôi bị viêm mũi dị ứng và hen. Mỗi khi vô mùa lạnh thì bệnh càng nặng hơn. Xin bác sĩ cho biết hai bệnh này có liên quan gì không. Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa hai bệnh này.
 
(Le Phong, 32 tuổi, Hồ Chí Minh)
Chào Phong,
 
80% hen là bị viêm mũi dị ứng, khoảng 30% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có hen. Vì vậy người bệnh cần phải điều trị cả hai vì viêm mũi dị ứng sẽ làm hen khó kiểm soát hơn, làm cho bệnh nhân nhập viện nhiều hơn và chất lượng cuộc sống xấu đi nhiều.
 
Hen và viêm mũi dị ứng sẽ được các bác sĩ điều trị cùng một lúc. Đối với viêm mũi dị ứng thì phải giữ môi trường sạch, rửa mũi 2 lần trong ngày, giữ nhà cửa sạch sẽ, tránh các yếu tố kích thích. Việc điều trị viêm mũi dị ứng và hen được phân ra nhiều bậc và bác sĩ sẽ phân bậc để điều trị cho từng bệnh nhân cụ thể.
 
Chào bác sĩ, hiện nay có loại văcxin nào cho bệnh hen không ạ?
 
(Mai Mã, 35 tuổi, HCM)
 
Chào bạn,
 
Hiện nay chưa có văcxin nào điều trị bệnh hen. Nhưng nếu bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng thì có những loại thuốc giải mẫn cảm (có thể được gọi là văcxin).
 
 
Em tôi từ nhỏ đã bị hen khá nặng, phải dùng các loại thuốc tiêm và xịt hỗ trợ. Có nhiều bác sĩ khuyên thời tiết miền Nam ấm hơn thì bệnh đỡ. Có đúng không ạ, gia đình chuyển vào Nam bệnh có giảm không, mong nhận được tư vấn của bác sĩ.
 
(Nguyễn Khánh Ngọc)
 
Chào Khánh Ngọc,
 
Thời tiết ở miền Nam không quá lạnh hay nóng như ở miền Bắc và Trung. Nhiều bệnh nhân bị hen cải thiện được bệnh khi sống ở miền Nam. Việc điều trị hen vẫn phải dựa trên thuốc corticosteroid dạng hít và rất ít khi cần đến corticosteroid dạng tiêm và uống.
 
Con trai tôi được chẩn đoán hen phế quản lúc cháu 8 tuổi rưỡi, đến bây giờ đã được gần 8 năm. Có những khoảng thời gian 8, 9 tháng liền cháu không bị cơn hen nào, nhưng lại đột ngột bị khó thở nếu gặp một dị nguyên nào đó. Xin bác sĩ cho hỏi tình trạng của cháu như vậy thì nên dùng thuốc dự phòng như thế nào cho phù hợp ạ. (Cháu hiện tại hơn 16 tuổi, cao 1m72 nặng 60kg). Cám ơn bác sĩ.
Nguyễn Thu Hà, 41 tuổi
Chào bạn,
 
Nếu cháu vẫn lên cơn hen thì bắt buộc phải dùng thuốc dự phòng. Liều lượng thuốc cụ thể sẽ được xác định sau khi bác sĩ khám về mặt lâm sàng, làm hô hấp ký và đánh giá mức độ kiểm soát hen của cháu.
 
Bác sĩ cho hỏi việc dùng thuốc điều trị hen đường hít lâu dài có khả năng bị ung thư hay không?
 
(Phạm đức thám, 42 tuổi)
Chào bạn,
 
Dùng corticosteroid dạng hít cũng có tác dụng phụ. Nó không gây ung thư nhưng có thể gây nấm họng hoặc khàn tiếng, bệnh nhân cần phải súc miệng sau khi dùng thuốc.
 
Nếu dùng thuốc hít dài lâu có thể gây bầm da, viêm phổi, loãng xương, cườm mắt.... Nhưng nếu điều trị đúng theo phác đồ, bác sĩ sẽ giảm liều dần dần nên ít khi gây tác dụng phụ này.
 
Bé trai nhà tôi nay được 34 tháng, cao 97 cm, nặng 17 kg, ban ngày thì bé chơi bình thường, tối khi nằm xuống ngủ, bé thường bị ngạt mũi và khó thở, vào lúc nửa đêm về sáng bé thường ho nhiều và gần sáng mới ngủ lại, có phải bé bị hen không? Tôi xin cám ơn bác sĩ!
 
(Ly, 30 tuổi)
Chào Ly,
 
Triệu chứng đầu tiên của bé ở mũi nên bạn cần chăm sóc mũi thật kỹ bằng cách rửa, hút sạch vì nghẹt mũi có thể nặng hơn khi trời lạnh và cũng làm cho bé quấy khóc khi khó chịu, đôi khi cũng gây ho. Vì vậy, việc đầu tiên bạn phải rửa mũi và giữ ấm cho bé, vệ sinh tốt phòng ngủ nếu cháu không khò khè, không có tiếng rít thì rất ít khả năng cháu bị suyễn.
 
Nếu những hướng dẫn trên mà vẫn không khỏi thì bạn có thể cho cháu đến các bác sĩ tai mũi họng để thăm khám trước.
 
 
Thuốc babuterol là thuốc điều trị hay dự phòng, thời gian uống trong bao lâu? Có thể dùng thuốc này thay cho thuốc dự phòng dạng xịt như seretide được không ạ?
 
(huỳnh thị trúc, 46 tuổi)
 
Chào Trúc,
 
Babuterol không phải thuốc dự phòng mà là một dạng thuốc giãn phế quản kéo dài, chỉ có tác dụng mở rộng đường thở và không thể thay thế được corticosteroid dạng hít.
 
Hiện nay người ta chỉ cần dùng thuốc giãn phế quản dạng hít chứ không dùng dạng uống, bạn không nên sử dụng thuốc này.
 
Cho cháu hỏi, trẻ em bị hen tập yoga có khỏi được bệnh hen không ạ?
 
(Bùi Anh Tuấn)
Chào Tuấn,
 
Yoga tốt cho sức khỏe vì giảm căng thẳng, tăng thể lực cho người bị hen, nhưng đây không phải là phương pháp điều trị, mà chỉ là hỗ trợ.
 
Xin bác sĩ tư vấn dùng loại thuốc xịt nào an toàn khi lên cơn hen co thắt cho trẻ 10 tuổi ạ.
 
(Thế Hùng, 45 tuổi, TP TH)
 
Chào bạn,
 
Hiện nay ở Việt Nam chỉ dùng salbutamol dạng xịt hoặc phun khí dung cho trẻ bị lên cơn hen. Loại thuốc này hiệu quả an toàn và được chỉ dẫn của Bộ Y tế Việt Nam và các tổ chức y tế khác. Tuy nhiên, việc điều trị hen hiện nay là ngừa cơn chứ không đợi lên cơn mới cắt, nếu cháu vẫn phải dùng thuốc cắt cơn thì cần phải đến khám ở bác sĩ hô hấp để được điều trị ngừa cơn hen.
 
Có dấu hiệu nào để dự báo được trước cơn hen phế quản cấp tính chuẩn bị xuất hiện hay không ạ?
 
(An Ha)
 
Chào bạn,
 
Có thể tiên đoán hen bằng các tác nhân kích thích như cảm cúm, thay đổi thời tiết, ăn những thức ăn dị ứng. Khi đó bệnh nhân sẽ ho kéo dài, tăng tiết đàm, khò khè tăng, khó thở tăng... là những dấu hiệu báo trước của đợt kích phát hen. Bệnh nhân nên dùng thuốc cắt cơn, tăng liều corticoid dạng hít và gặp bác sĩ.
 
Tôi bi hen suyễn từ 5 tuổi, hiện nay cứ 4-7 tháng tôi lại tái phát phải xông thuốc và uống thuốc trong một tuần. Xin hỏi bác sĩ tôi nên điều trị như thế nào?
 
(đỗ lê phuong linh, 14 tuổi)
 
Chào em,
 
Có thể bạn bị suyễn theo mùa. Có hai cách điều trị hoặc là điều trị dự phòng trước mùa và kéo dài suốt mùa bị suyễn, chấm dứt điều trị sau khi hết mùa bạn bị ho một tháng.
 
Cách thứ hai, tốt hơn là bạn nên điều trị dự phòng ngừa cơn liên tục. Cách điều trị này giúp bạn tránh những cơn kịch phát, nếu điều trị dài lâu bác sĩ sẽ giảm lượng thuốc.
 
Con trai em 6 tuổi, nặng 32kg, từ trước đến nay cháu hay bị viêm đường hô hấp. Mỗi lần như thế bác sĩ đều kê kháng sinh, nhưng hết thuốc không lâu lại tái phát, mặc dù cháu ăn uống đầy đủ, tập thể dục thể thao, bổ sung các vitamin và khoáng chất để tăng cường đề kháng mỗi ngày, nhưng cháu hay ho theo cơn, hết thuốc lại ho không dứt hẳn. Có nhiều lần khi vận động quá nhiều xong cháu lại lên cơn ho, thở co kéo và khò khè. Xin hỏi bác sĩ có phải cháu bị hen? Làm sao để phòng bệnh? Nếu không dùng kháng sinh mà cháu có thể khỏi được căn bệnh này ạ? Cháu hay đi bơi, chơi đá banh và bóng rổ, như vậy có được không ạ?
 
(Võ Thị Kim Loan, 37 tuổi)
 
Chào Loan,
 
Nếu cháu bị chẩn đoán là viêm hô hấp, ho tái đi tái lại, ho khò khè mỗi lần vận động thì khả năng bị hen rất cao. Nếu trị hen đơn thuần, không bị bội nhiễm (không sốt, không đàm xanh, không đàm vàng) thì không cần kháng sinh. Điều trị hen cho trẻ em vẫn phải sử dụng corticosteroid dạng hít hoặc có khả năng thứ hai là dùng Monteluicast và một loại thuốc cắt cơn. Việc chọn lựa liều thuốc và loại thuốc phải do bác sĩ quyết định.
 
Việc chẩn đoán hen ở trẻ con hiện nay, ngoài phương pháp hô hấp ký, còn có phương pháp dao động xung ký có thể thực hiện ở trẻ con từ 2 tuổi trở lên, giúp các bác sĩ có những bằng chứng khách quan để chẩn đoán hen chắc chắn hơn.
 
Kính thưa bác sĩ Tuyết Lan. Con gái cháu sinh ra ở Hà Nội, bị hen từ khoảng 2 tuổi, cháu thường bị các cơn hen nên hàng tuần đều phải đi khám và điều trị. Sau đó khoảng 3,5 tuổi cháu chuyển vào TP HCM thì ít bị hen, cháu chỉ bị khi thời tiết chuyển mùa, ẩm, mưa nhiều hoặc là mặc nhiều áo đi trời nắng lâu. Năm nay cháu 7 tuổi, bác sĩ cho biết là con gái cháu có thể khỏi hẳn bệnh hen khi lớn lên không ạ. Nếu cháu lại về miền Bắc thì các cơn hen có thể tái phát không ạ. Cách phòng tránh bệnh hen đối với trẻ em như thế nào?
 
(Bùi Anh Tuấn)
 
Chào bạn,
 
Việc đầu tiên bạn nên xem tình trạng hen của con như thế nào bằng cách khám lâm sàng, làm hô hấp ký để đánh giá mức độ kiểm soát. Nếu sau một năm, cháu hoàn toàn không còn triệu chứng thì các bác sĩ có thể ngưng điều trị. Nhưng khi gặp khí hậu lạnh cháu có thể bị tái phát.
 
Việc điều trị như thế nào phải do bác sĩ chỉ định theo từng trường hợp cụ thể. Đối với bệnh hen suyễn, trẻ nên tránh tiếp xúc các yếu tố kích bệnh, nhất là khói thuốc lá, thức ăn gây dị ứng, giữ nhà cửa sạch sẽ, chích ngừa cảm cúm, không nuôi thú có lông, điều trị tốt các bệnh lý tai mũi họng...
 
Hen suyễn là bệnh không thể chữa dứt điểm nên nếu cháu về Bắc, khi trời lạnh có thể bị tái phát.
 
Bệnh hen phế quản rất phổ biến và ngày càng gia tăng, bệnh có ở mọi lứa tuổi. Triệu chứng thường là ho khò khè, tái đi tái lại.
 
Bệnh hen hiện có thể điều trị hiệu quả nhưng bệnh nhân phải ngừa cơn hen chứ không đợi lên cơn mới cắt. Thuốc điều trị hen hiện nay đều là dạng thuốc xịt vào đường thở, bệnh nhân không nên uống, chích corticosteroid nếu không có chỉ định.
 
Nếu không bội nhiễm hen thì không cần dùng kháng sinh. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị, tuân thủ đúng phương pháp điều trị thì có thể sống và sinh hoạt như những người bình tthường.
 
Theo vnexpress.net
 

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát