Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát
Banner chinh 2023 -1 Banner chinh 2023 -2 Banner chinh 2023 -3
Phổi tắc nghẽn mãn tính

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG HÔ HẤP CHO BỆNH NHÂN COPD (Kỳ 1)


1.   Đại cương


Phục hồi chức năng hô hấp trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được Hội Lồng ngực Mỹ và châu Âu đánh giá cao và đưa ra khuyến cáo như một phương pháp điều trị hiệu quả dựa trên các bằng chứng. Phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả các bệnh nhân có bệnh mạn tính đường hô hấp gây giảm sút các hoạt động của bệnh nhân trong sinh hoạt hàng ngày.

 

bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính copd

 

Phục hồi chức năng hô hấp giúp làm giảm triệu chứng khó thở, cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng khả năng gắng sức, giúp ổn định hoặc cải thiện bệnh, giảm số đợt kịch phát phải nhập viện điều trị, giảm số ngày nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị.


Phục hồi chức năng hô hấp bao gồm 3 nội dung chính:


- Giáo dục sức khỏe: Người bệnh được tư vấn cai thuốc lá, kiến thức về bệnh, hướng dẫn sử dụng thuốc, thở oxy đúng cách, kỹ năng dùng ống bơm xịt, bình hít hay máy khí dung, các phương pháp ho khạc đờm, tập thở. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được tư vấn để có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm cải thiện tình trạng gầy yếu, sút cân, suy dinh dưỡng thường đi kèm với COPD.


- Vật lý trị liệu hô hấp: Bệnh nhân được hướng dẫn và thực hành các kỹ thuật cải thiện thông khí, ho khạc đờm, học các bài tập thể dục và vận động để tăng cường thể chất và khắc phục hậu quả căn bệnh. Các bài tập cần được thiết kế phù hợp với mỗi bệnh nhân.


- Hỗ trợ tâm lý và tái hòa nhập xã hội: Rối loạn tâm thần kiểu trầm cảm thường đi kèm với COPD. Nếu bệnh nhân được tư vấn và hỗ trợ tâm lý sẽ cải thiện được tình trạng này.


Trong phạm vi bài này, chúng tôi đề cập đến nội dung vật lý trị liệu hô hấp cho bệnh nhân COPD.


2.   Vật lý trị liệu- phục hồi chức năng hô hấp


2.1. Phương pháp thông đờm làm sạch đường thở


-          Mục đích: giúp bệnh nhân biết cách loại bỏ đờm, dịch tiết phế quản làm cho đường thở thông thoáng.


-          Chỉ định: Bệnh nhân có nhiều đờm gây cản trở hô hấp hoặc bệnh nhân gặp khó khăn khi khạc đờm. Phương pháp này bao gồm 2 kỹ thuật chính:


2.1.1. Ho có kiểm soát


Ho thông thường: là một phản xạ bảo vệ của cơ thể nhằm tống những vật “lạ” ra ngoài. Khi các phế quản bám đầy đờm nhớt, gây phản xạ muốn ho. Cơn ho xảy đến do các kích thích ở cổ họng nhưng luồng khí không đủ để đẩy đờm di chuyển. Đối với bệnh nhân COPD ho thường làm người bệnh mệt, khó thở tăng lên, gây lo lắng và đôi khi làm cho bệnh nhân ngại ngùng ở nơi công cộng.


Để thay thế những cơn ho thông thường dễ gây mệt, gây khó thở cần hướng dẫn bệnh nhân sử dụng kỹ thuật ho có kiểm soát:


-          Ho có kiểm soát là động tác ho hữu ích giúp tống đờm ra ngoài, làm sạch đường thở và không làm cho người bệnh mệt, khó thở…


-          Mục đích của ho có kiểm soát không phải để tránh ho mà lợi dụng động tác ho để làm sạch đường thở.


-          Ở bệnh nhân COPD cần có một luồng khí đủ mạnh tích lũy phía sau chỗ ứ đọng đờm để đẩy đờm di chuyển ra ngoài.


Kỹ thuật ho có kiểm soát


Bước 1: Ngồi trên giường hoặc ghế thư giãn, thoải mái.


Bước 2: Hít vào chậm và thật sâu.


Bước 3: Nín thở trong vài giây.


Bước 4: Ho mạnh 2 lần, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài.


Bước 5: Hít vào chậm và nhẹ nhàng. Thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho.


Lưu ý:


-          Khạc đờm vào lọ để xét nghiệm hoặc khăn giấy bỏ vào thùng rác tránh lây nhiễm.


-          Khi có cảm giác muốn ho, đừng cố gắng nín ho mà nên thực hiện kỹ thuật ho có kiểm soát để giúp tống đờm ra ngoài.


-          Tuỳ lực ho và sự thành thạo kỹ thuật của mỗi người, có khi phải lặp lại vài lần mới đẩy được đờm ra ngoài.


-          Một số người bệnh có lực ho yếu có thể thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh.


2.1.2. Kỹ thuật thở ra mạnh


Nhằm thay thế động tác ho có kiểm soát trong những trường hợp người bệnh yếu mệt, không đủ lực để ho.


Kỹ thuật thở ra mạnh


Bước 1: Hít vào chậm và sâu.


Bước 2: Nín thở trong vài giây.


Bước 3: Thở ra mạnh và kéo dài.


Bước 4: Hít vào nhẹ nhàng. Hít thở đều vài lần trước khi lập lại.


Lưu ý: Để hỗ trợ thông đờm có hiệu quả cần phải


·         Uống đủ nước hàng ngày, trung bình từ 1lít – 1,5lít nước, nhất là những bệnh nhân có thở oxy, thời tiết nóng bức.


·         Chỉ nên dùng các loại thuốc long đờm, loãng đờm, không nên dùng các thuốc có tác dụng ức chế ho.

 

(Còn tiếp)

Dự án phòng chống phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn và hen phế quản - Bộ Y tế

Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn

Ban hang online
Tin tức liên quan
Form khảo sát Form khảo sát Form khảo sát