Thay đổi khí hậu có thể thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng các bệnh chết người như sốt rét và hen suyễn ở cả các nước giàu và nước nghèo.
Nguyên nhân là khí hậu thay đổi đã làm tăng số côn trùng ký sinh và làm tăng bụi bẩn từ các cơn bão. Theo tiến sĩ Paul Epstein, thuộc trường ĐH Y Harvard, trưởng nhóm nghiên cứu “Thay đổi khí hậu trong tương lai”, khi khí hậu ấm lên, bệnh sốt rét trở nên phổ biến hơn ở các vùng núi xưa nay vốn mát mẻ của châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, nơi có 10% dân số thế giới sinh sống.
Epstein cho biết số ca sốt rét đã tăng lên gấp 4 lần trong vòng 10 năm qua và giết chết 3.000 trẻ em châu Phi mỗi ngày. Trong bản báo cáo của mình, các nhà nghiên cứu cảnh báo “sốt rét có thể bùng phát đột ngột ở các nước phát triển, đặc biệt là ở các khu vực biên giới”.
Các nhà khoa học cho rằng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide (CO2) thải ra từ xe, chất đốt... đã dẫn tới thay đổi khí hậu. Điều này có thể dẫn tới tăng mực nước biển, có thể gây lũ lụt và bão mạnh hơn.
Nhiệt độ tăng lên cũng làm gia tăng muỗi và ký sinh có thể mang bệnh tật như sốt rét, virus West Nile và bệnh Lume. Số ca mắc bệnh hen suyễn, càng tồi tệ hơn do bụi bặm và chất có hại trong không khí, có thể tăng lên khi CO2 ngày càng nhiều.
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn