Sốt xuất huyết (hay sốt Dengue) là một trong những căn bệnh nguy hiểm, là nguyên gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Nếu trẻ mắc sốt xuất huyết trên bệnh lý nền là hen phế quản/ hen suyễn hay viêm phế quản thì mức độ nguy hiểm tăng lên gấp nhiều lần. Sau đây là một số lưu ý các bậc phụ huynh nên tham khảo để đề phòng những nguy cơ có thể xảy ra.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT - DIỄN TIẾN CỦA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT Ở TRẺ
Sốt xuất huyết có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau, tuy nhiên, bệnh đều sẽ diễn tiến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn 1: Sốt
Ở giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì than đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (quan sát thấy có chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Kết quả xét nghiệm máu ở giai đoạn sốt thường không phản ánh rõ ràng. Cụ thể, dung tích hồng cầu (Hematocrit) đa số là bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần, trong khi đó lượng bạch cầu thường giảm.
Giai đoạn 2: Nguy hiểm
Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương (Lượng huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt khiến bụng bị chướng to, thường kéo dài trong 24 - 48 giờ, nguy cơ dẫn đến tử vong ở các bệnh nhi sốt xuất huyết).
Như vậy, khi đi khám có thể nhận thấy trẻ bị tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, gan to bất thường, mi mắt phù nề. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít; huyết áp kẹt (huyết áp tối đa và tối thiểu cách nhau dưới 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp. Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, ở phần bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc, như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bởi vì có thể trẻ tuy mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng xuất huyết. Vì vậy, dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể đã tới giai đoạn nguy hiểm, có thể khiến bé tử vong.
Sốt xuất huyết là bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong
Giai đoạn 3: Phục hồi
Sau giai đoạn nguy hiểm chừng 48 - 72 giờ là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.
SỐT XUẤT HUYẾT Ở TRẺ MẮC BỆNH LÝ NỀN HEN PHẾ QUẢN/VIÊM PHẾ QUẢN
“Bệnh nền” nghĩa là trẻ có mắc một số bệnh lý trước đó, đang được điều trị và theo dõi như hô hấp (hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi…), tim mạch (thông liên thất, thông liên nhĩ, suy tim…), tiêu hóa (viêm gan, viêm dạ dày…)
Ở những trẻ hen suyễn, viêm phế quản, trẻ đã khó thở do bệnh lý hô hấp, nay gặp thêm bệnh sốt xuất huyết sẽ có thêm tràn dịch màng phổi do thất thoát huyết tương khiến trẻ suy hô hấp nhiều hơn. Thậm chí có thể gây xuất huyết phổi nếu trẻ có rối loạn đông máu nặng.
Mỗi cá thể đều riêng biệt, tùy từng trường hợp cần điều chỉnh điều trị để phù hợp nhất ở từng thời điểm của trẻ bệnh dựa trên phác đồ điều trị sốt xuất huyết chung của Bộ Y tế.
Các bậc phụ huynh có cái nhìn thận trọng hơn với sốt xuất huyết và lưu ý tích cực áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Cần đề phòng sốt xuất huyết ở trẻ
Một số điểm chính trong phòng ngừa và cảnh báo sốt xuất huyết:
- Khi trẻ sốt cao liên tục 2 - 3 ngày, quý phụ huynh lưu ý cho trẻ đến các cơ sở y tế.
- Khi trẻ sốt 2 - 3 ngày rồi hết, nhưng mệt hơn, có thể ói, đau bụng, chảy máu mũi… phải đưa đến ngay cơ sở y tế.
- Những trẻ có bệnh nền, khi bị sốt xuất huyết sẽ là nhóm trẻ có nguy cơ nặng hơn các trẻ khác.
- Ngủ mùng (giăng mùng cả ngày lẫn đêm), diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy), phát quan bụi rậm, đậy úp chai lọ, lu vại là việc nên làm thường xuyên.
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn