Khò khè là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Thật thế, người ta ước tính rằng có khoảng 30-40% trẻ có ít nhất một lần khò khè trong đời! Mỗi lần như thế các bậc cha mẹ lại thường khá lo lắng và tìm đủ mọi cách để trẻ “mau hết đàm”. Một trong những cách hiện nay được nhiều người quan tâm là vật lý trị liệu (VLTL) hô hấp hay có khi được gọi đơn giản là “đi lấy đàm”.
Vật lý trị liệu hô hấp là gì?
Về phương diện chuyên môn, đó là nhóm các biện pháp điều trị hỗ trợ bằng cách dùng các phương pháp vật lý (hoặc bằng tay của kỹ thuật viên, hoặc bằng dụng cụ, hoặc cả hai) để giúp cải thiện hiệu quả của hô hấp, giúp phổi giãn nở tốt hơn, tăng cường sức cơ hô hấp, và thải trừ các chất tiết, đàm nhớt ra khỏi đường hô hấp.
Có nhiều kỹ thuật được áp dụng ở trẻ em (rửa mũi, “thông mũi ngược dòng”, kích thích ho, “giảm thể tích”, “chặn gốc lưỡi”, vỗ lưng,…) với mục tiêu chính yếu là nhằm làm thông thoáng đường thở.
Có phải trẻ nào cũng cần tập VLTL khi mắc bệnh hô hấp không?
Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị hỗ trợ rất hiệu quả trong nhiều bệnh hô hấp.
Chẳng hạn, trong trường hợp viêm tiểu phế quản có biến chứng xẹp phổi, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tập vật lý trị liệu hô hấp (có thể phối hợp với thở áp lực dương liên tục) có hiệu quả tương đương với biện pháp hút đàm qua nội soi phế quản - nặng nề, phức tạp hơn nhiều.
Tuy nhiên, có hai điểm mà chúng ta cần lưu ý như sau:
1. Đây chính là một biện pháp điều trị hỗ trợ, nên dù hiệu quả như thế nào đi chăng nữa, cũng không phải là biện pháp điều trị nguyên nhân. Hẳn mọi người đều dễ dàng thống nhất là điều trị đúng nguyên nhân bao giờ cũng hiệu quả hơn là chỉ điều trị triệu chứng hỗ trợ. Vì vậy, các cháu cần được bác sĩ thăm khám đầy đủ, xác định chính xác nguyên nhân để có được một hướng điều trị cụ thể, hiệu quả, phù hợp.
2. Không phải khi nào trẻ mắc bệnh hô hấp cũng cần phải tập vật lý trị liệu hô hấp cả, ngay cả trong nhiều trường hợp trẻ thật sự có đàm.
Tổng hợp và phân tích kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy rằng vật lý trị liệu hô hấp không làm thay đổi diễn tiến của hai nguyên nhân gây ho có đàm quan trọng và phổ biến ở trẻ nhỏ là viêm phổi và viêm tiểu phế quản không có biến chứng xẹp phổi.
Ở bệnh nhân hen suyễn, không phải lúc nào cũng nên tập vật lý trị liệu dù cũng là ho có đàm. Đặc biệt cần lưu ý là khi bệnh nhân đang lên cơn suyễn (thường có biểu hiện ho, nặng ngực, khò khè, khó thở) thì không nên tập vật lý trị liệu vì không hiệu qủa và có khi lại làm nặng hơn tình trạng khó thở của trẻ.
Khi nào cần cho trẻ tập vật lý trị liệu hô hấp?
Đó là khi có biến chứng hoặc được dự đoán là sẽ có biến chứng do ứ đọng đàm nhớt trong đường thở.
Các trường hợp phổ biến là:
- Ứ đọng đàm nhớt làm tắc nghẽn đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ (do trẻ không biết khạc đàm, ho không hiệu quả), trẻ phải nằm bất động lâu ngày
- Trẻ mắc các bệnh mãn tính gây ứ đọng đàm nhớt (bại não, bệnh thần kinh – cơ, một số bệnh hô hấp mãn tính,…)
- Xẹp phổi do ứ đọng đàm nhớt
- Sau phẫu thuật đặc biệt là phẫu thuật lồng ngực.
Trong trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp đơn thuần, kể cả viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản không có biến chứng do ứ đọng đàm nhớt, cũng không nhất thiết phải cho trẻ tập VLTL nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Vì vậy, khi mắc bệnh hô hấp, các cháu cần được bác sĩ thăm khám đầy đủ, xác định chính xác nguyên nhân để có được một hướng điều trị cụ thể, hiệu quả, phù hợp trong đó có tập vật lý trị liệu hô hấp nếu cần.
BS. Trần Anh Tuấn
Trưởng khoa Hô hấp - BV Nhi Đồng 1, TP.HCM
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn