Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh viêm mũi dị ứng (VMDƯ) và hen suyễn.
Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh viêm mũi dị ứng (VMDƯ) và hen suyễn. Mặc dù VMDƯ và hen suyễn là hai bệnh khác nhau, nhưng nếu trong quá trình điều trị VMDƯ không đúng thì có khả năng làm ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn.
Mối liên quan giữa VMDƯ và hen suyễn
VMDƯ và hen suyễn là các bệnh lý của đường hô hấp, là hai biểu hiện khác nhau của cùng một bệnh dị ứng đường hô hấp. Trong đó, viêm mũi là do dị ứng đường hô hấp trên, hen suyễn là dị ứng đường hô hấp dưới. Như vậy, nhiều bệnh nhân ban đầu chỉ có biểu hiện của VMDƯ, lâu ngày lại có thêm biểu hiện của hen. Một số nghiên cứu cho thấy, 80% bệnh nhân hen có VMDƯ và 30% bệnh nhân bị VMDƯ có hen.
Do vậy, trong vấn đề điều trị, điều trị viêm mũi dị ứng trên bệnh nhân hen sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giúp kiểm soát hen tốt hơn, giảm mức độ nặng của hen, giảm tình trạng cấp cứu và nhập viện, góp phần làm tăng chất lượng sống cho bệnh nhân.
Dùng thuốc như thế nào?
Bệnh VMDƯ cần điều trị sớm để tránh biến chứng, tránh chuyển sang hen, tránh làm nặng hơn tình trạng hen. Với các bệnh nhân có cơ địa dị ứng thì cần tránh các tác nhân gây kích ứng như: khói bụi, khói thuốc lá, phấn hoa, gió lùa, môi trường ẩm thấp. Khi thời tiết trở lạnh, người bệnh giữ ấm cơ thể, nhất là hai lòng bàn chân. Khi đi ngoài đường về, dùng nước muối sinh lý hay nước biển phun sương rửa mũi. Khi bị hắt hơi, chảy nước mũi nhiều, dùng khăn mỏng nhúng nước ấm đắp lên mũi làm ấm.
1. Dùng thuốc điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng: Khi không thể khắc phục được nguyên nhân gây bệnh như: Thay đổi môi trường làm việc, không tránh được thời tiết thất thường thì cần dùng thuốc điều trị cắt triệu chứng, tăng cường miễn dịch. Trước hết cần vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, rồi dùng thuốc trong đó có nhóm kháng histamin H1, nhóm thuốc gây co mạch và nhóm corticoid.
Nhóm gây co mạch: Thuốc uống bao gồm các thuốc đơn lẻ hoặc phối hợp các thuốc cảm. Thuốc có tác dụng co mạch, giảm sung huyết... nên giúp bệnh nhân dễ thở. Tuy nhiên, thuốc lại có các tác dụng phụ như gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim, đau thắt ngực, nhức đầu, choáng váng, khó ngủ...
Do vậy, thuốc chống chỉ định đối với bệnh nhân có sẵn các bệnh như tăng huyết áp, đau thắt ngực do bệnh mạch vành, cường tuyến giáp, đái tháo đường. Các thuốc nhỏ, xịt mũi như naphazolin, xylomethazolin... cũng có tác dụng co mạch tại chỗ khiến người bệnh xịt vào thở được ngay, dễ chịu.
Nhưng chính cảm giác dễ chịu tức thì của thuốc khiến bệnh nhân lạm dụng. Khi lạm dụng thuốc (dùng thuốc kéo dài, liên tục) sẽ khiến hiệu quả của thuốc kém dần và gây tác dụng dội ngược, mũi ngạt trở lại, gây xơ hóa niêm mạc mũi. Do đó, thuốc chỉ nên dùng tối đa là 1 tuần, nếu triệu chứng không giảm thì người bệnh cần đi tái khám để được điều trị bằng biện pháp khác.
Các thuốc nhóm kháng histamin H1: Có tác dụng giảm triệu chứng do histamin gây ra, làm giảm các triệu chứng của VMDƯ. Các thuốc thế hệ cũ thường dùng là chlopheniramin, alimemazin, promethazin, diphenylhydramin, dimenhydrinat, cinarizin... nhưng lại có tác dụng phụ gây buồn ngủ do vậy bất tiện cho bệnh nhân phải tập trung làm việc, vận hành máy móc, lái tàu xe... Hiện nay, các thuốc thế hệ mới như loratidin, acrivastin, fexofenadin... đã khắc phục được nhược điểm của nhóm thuốc cũ nên thường được sử dụng nhiều hơn.
Nhóm corticoid: Nhóm này thường được bào chế thành dạng thuốc hít, thuốc sẽ bám trực tiếp vào niêm mạc mũi với một liều nhỏ nhưng lại có tác dụng tại chỗ và ít ảnh hưởng đến toàn thân. Tuy nhiên, việc dùng thuốc nhóm này cần phải có sự chỉ định liều dùng chặt chẽ từ bác sĩ. Không nên dùng cho bệnh nhân có tổn thương như xây xước ở đường hô hấp, không nên dùng kéo dài vì nguy cơ bội nhiễm nấm Candida ở mũi, miệng. Sau khi hít thuốc xong cần súc miệng, họng thật sạch để thuốc không đọng lại ở miệng, mũi.
Đông y có các cây thuốc: kim ngân hoa, ké đầu ngựa, cỏ hôi, thuốc xịt mũi có thành phần là cây ngũ sắc... được dùng để điều trị viêm mũi dị ứng.
2. Điều trị hen suyễn: Cần sử dụng các thuốc làm giãn phế quản (bao gồm thuốc cường beta 2 adrenergic, thuốc hủy phó giao cảm), thuốc chống viêm corticoid, thuốc kháng leucotrien (như montelukast zaditen)... có tác dụng làm giảm tác dụng co thắt phế quản. Các thuốc này đều có những tác dụng phụ và liều sử dụng nghiêm ngặt, do vậy bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo đúng toa của bác sĩ.
Trong điều trị hen quan trọng nhất là điều trị dự phòng và dài hạn bệnh hen. Các thuốc được sử dụng là salmeterol. Dự phòng bằng thảo dược thì có thuốc hen P/H. Hiện thuốc hen P/H là thuốc thảo dược duy nhất được Bộ Y tế cấp phép là thuốc điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân bị hen suyễn nên để sẵn trong mình thuốc xịt cắt cơn (ventolin spray) để dự phòng lúc lên cơn hen đột ngột thì có thuốc để cấp cứu.
Điều trị lâu dài cần phải có chuyên khoa theo dõi, người bệnh cần nhận biết các triệu chứng, đến các cơ sở y tế sớm để được tư vấn điều trị tốt nhằm tránh biến chứng.
BS. Lê Anh Tiến - Đời sống sức khỏe
Để lại SỐ ĐIỆN THOẠI , chúng tôi sẽ gọi điện tư vấn riêng cho bạn